Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

6 bí quyết tránh để lại ấn tượng đầu tiên “xấu xí”

Những lỗi ấn tượng lần đầu là điều có thể tránh được. Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên với một số những sai lầm thực sự không may mà mọi người phạm phải trong những cuộc gặp lần đầu tiên quan trọng.

Tác giả Anthony Tjan là CEO, Cộng sự quản lý và là nhà sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Cue Ball. Vừa là doanh nhân, nhà đầu tư, và cố vấn cấp cao, Tjan đã xây dựng được cho mình hình ảnh một nhà thành lập doanh nghiệp có uy tín.


Bí quyết để không phạm phải những sai lầm này là dành thời gian để chuẩn bị trước cuộc gặp.

Trong thế giới siêu kết nối ngày nay, không có lý do gì để không tìm hiểu càng nhiều càng tốt về người bạn chuẩn bị gặp và công ty của họ. Đó là sự tập dượt tinh thần cơ bản mà bạn cần phải làm trước "ngày chơi".

Tuy vậy, mọi người lại không làm được điều đó một cách đầy đủ. Nếu mọi người chuẩn bị  cho các cuộc họp kinh doanh quan trọng nhiều như họ chuẩn bị cho cuộc hò hẹn lần đầu tiên thì đã có thể có nhiều câu chuyện kinh doanh thành công hơn.

Tuần trước, tôi tiến hành phỏng vấn tuyển dụng một vị trí trong công ty. Tôi hỏi một ứng cử viên rằng anh ta thích điều gì nhất trong hạng mục đầu tư của công ty và anh ta không thể nhớ nổi một cái tên cụ thể.

Một ứng cử viên khác bước vào và nghĩ rằng chúng tôi là một công ty quảng cáo (thực ra chúng tôi là một công ty đầu tư tài chính mạo hiểm). Điều này không phải chỉ xảy ra với những người tìm việc. Rất nhiều doanh nghiệp đưa ra các ý tưởng mà không nghiên cứu kĩ lưỡng hơn thông tin cần thiết cơ bản về đối tác mà họ chuẩn bị gặp gỡ.

Dưới đây là một số điều hữu ích cần làm trước bất kì một cuộc gặp nào:

1. Bắt đầu với website của công ty và tìm hiểu thông tin về người bạn chuẩn bị gặp trên Google

Trên website của công ty, tôi tìm kiểm lý lịch của người đó nhưng tôi cũng tìm kiếm trên Google để có thêm những thông tin lý lịch và tiểu sử của họ.

Với những thông tin có được, bạn cần ghi nhớ: họ lớn lên ở đâu, nơi làm việc gần đây nhất của họ ở đâu và họ học ở đâu. Nghe có vẻ ngu ngốc nhưng hãy chắc rằng đó là tiểu sử lý lịch của người bạn chuẩn bị gặp, có thể có rất nhiều người tên là Chris Smith khi bạn Google tên người đó và đôi khi họ thậm chí còn làm chung một công ty!

2. Tìm trên mạng một bức ảnh của người đó

Sẽ luôn thoải mái hơn (chưa kể đến sẽ dễ nhận người hơn) khi bạn biết người mình sẽ gặp trông như thế nào trước cuộc gặp. Tôi không thể nói cho bạn biết về mặt tâm lý học của việc này nhưng tôi tin rằng bạn càng giảm bớt được những điều không biết trước cuộc gặp thì bạn càng bớt lo lắng hơn trong cuộc gặp.

Khi tôi thấy khuôn mặt của người đó, tôi bước vào cuộc gặp như thể tôi đã gặp người này trước đó và tôi thấy thoải mái hơn. Điều này cũng hữu ích với những cuộc gọi. Tôi nhớ mình đã từng chuẩn bị cho một cuộc gọi với một CEO của một công ty nổi tiếng trong danh sách Fortune 100. Việc nhìn khuôn mặt thân thiện của ông trước trên mạng làm tôi bớt căng thẳng lúc gọi.

3. Có được những thông tin hoặc phân tích mới nhất về công ty

Với một công ty đại chúng, tôi sẽ tìm những báo cáo phân tích mới nhất, tìm hiểu giá và xu hướng giao dịch cổ phiếu gần đây nhất.

Thấy mọi người dường như hạnh phúc hơn như thế nào khi giá cổ phiếu của họ tăng là một điều thú vị. Với những công ty tư nhân, tôi tìm xem có blogger hoặc những địa chỉ nào như TechCrunch có đề cập đến họ không.

Cuối cùng tôi có tìm hiểu thông tin hồ sơ của họ tại compete.com (hoặc alexa.com) để có cái nhìn khái quát nhanh về xu hướng của họ. Nếu bạn chỉ có ít thời gian, hãy chắc rằng bạn có thể điền vào những chỗ trống sau: "Công ty tôi đang tìm hiểu làm/ sản xuất  ................ và nó khác biệt  bởi vì nó  ................"

4. Tìm ra ai là người có liên kết với người hoặc công ty bạn chuẩn bị gặp và nói chuyện với họ

Ai đó đã từng nói với tôi rằng, trong thế giới của các công ty đầu tư tài chính mạo hiểm, cách tốt nhất để có một cuộc gặp đầu tiên tốt đẹp là được giới thiệu với công ty đó.

Với Facebook, LinkedIn và cơ sở dữ liệu của các trường đại học, cao đẳng và trường học trực tuyến, bạn có thể có sự khởi đầu khá tốt để nói chuyện với ai đó, có được thông tin về bất cứ ai hoặc bất kì một công ty  nào. Hãy tìm người thân thuộc với người hoặc công ty bạn sẽ gặp, hỏi họ càng nhiều thông tin càng tốt.

5. Biết các mục tiêu ưu tiên của bạn đối với cuộc gặp và một hoặc hai câu hỏi bạn muốn được trả lời nhất

Tôi rất thích khi một doanh nhân tôi từng gặp nói thẳng vào vấn đề: "Bạn hy vọng sẽ đạt được điều gì với cuộc gặp này?" Tôi hoan nghênh sự thẳng thắn. Với những mục tiêu và câu hỏi ưu tiên trong đầu, bạn có thể biết khung thời gian dự kiến cho cuộc gặp.

6. Biết thông tin gì đó nhưng không thể hiện hết ra

Một trong những đối tác của tôi có một nguyên tắc tuyệt vời - hành động ngu ngơ, chiến thắng thông minh. Được trang bị với những thông tin đã tìm hiểu, bạn có thể trả lời hoặc định hướng câu chuyện một cách phù hợp, nhưng mục tiêu của bạn không phải là phô bày những gì bạn biết.

Tác giả: Nguyễn Tuyến (theo blogs.hbr.org).

0 comments:

Đăng nhận xét