Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Nhà báo Nga Mikhail Gusman phỏng vấn các nguyên thủ quốc gia

Nhà báo Nga Mikhail Gusman là Phó Tổng giám đốc thứ nhất Hãng Thông tấn ITAR - TASS. Ông là tác giả của rất nhiều chương trình truyền hình chính luận, trong đó có chương trình "Công thức quyền lực" từng được trao giải thưởng quốc gia LB Nga trong lĩnh  vực văn học nghệ thuật năm 2002.

Trong khuôn khổ chương trình này, nhà báo Gusman đã có nhiều dịp tiếp xúc với những chính trị gia hàng đầu trên thế giới. Và ông đã chia sẻ những hồi ức của mình về các buổi làm việc đó trong bài trả lời phỏng vấn cho tuần san Nga Itogi mới đây.


Với các hoàng gia

Theo nhà báo Gusman, trên thế giới này có hai vị quân vương mà ngay cả về mặt lý thuyết, không thể có một nhà báo nào có thể tới phỏng vấn được.  Đó là Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Nhật hoàng Akihito. Trong quy chế quốc gia của hai nước này thậm chí không có điều khoản nào quy định về việc hoàng gia trả lời phỏng vấn cho báo chí.

Chính vì vậy nên ông Gusman đã không thể nào có được cơ hội phỏng vấn Nữ hoàng Anh và Nhật hoàng cho chương trình "Công thức quyền lực" của mình.Tuy nhiên, đôi khi vận may lại mỉm cười với nhà báo Gusman. Thí dụ như trong trường hợp vua Tây Ban Nha Juan Carlos, người không bao giờ trả lời phỏng vấn cho các phóng viên nước ngoài.

Tuy nhiên, nhờ một người bạn thân là đại sứ Nga ở Tây Ban Nha, nhà báo Gusman đã có cơ hội sang Madrid để trực tiếp phỏng vấn vua Juan Carlos. Trong buổi lễ trình quốc thư, đại sứ Nga đã tận dụng mấy phút được trò chuyện với vua Juan Carlos để đặt vấn đề rằng, có một nhà báo Nga nổi tiếng muốn được gặp người đứng đầu hoàng gia Tây Ban Nha.

http://www.cand.com.vn/Uploaded_ANTGCT/maiphuong/5_nha110-400.jpg

Có lẽ đang trong trạng thái tâm lý vui vẻ nên dù biết gật đầu trong trường hợp này là không đúng lễ nghi đã được xác lập nhưng vua Juan Carlos vẫn đồng ý. Và một khi nhà vua đã đồng ý thì dù cả triều đình muốn bác đi cũng không dám làm như thế…

Trong sự nghiệp của mình, nhà báo Gusman đã thực hiện được các cuộc phỏng vấn với vua Thụy Điển, nữ hoàng Đan Mạch (2 lần), vua Na Uy, vua Jordan (2 lần) và với cả quốc vương Arab Saudi… Nhà báo Gusman rất có ấn tượng với vua Arab Saudi, Abdullah.

Theo nhà báo Gusman, vua Abdullah là một nhân vật rất độc đáo. Ông là con trai của vị vua đầu tiên của xứ Arab Saudi (trong giai đoạn 1932-1953), Abdul Aziz  và người vợ thứ tám. Khi trả lời phỏng vấn nhà báo Gusman, vua Abdullah đã ngoài 80 tuổi (ông sinh năm 1924), nhưng vẫn còn rất phong độ.

Nhà báo Gusman kể: "Tiếp xúc với vua Abdullah, ta gần như được thấm nhuần rất nhiều sự anh minh của phương Đông. Ông ấy khiến tôi kinh ngạc bởi trí tuệ sáng láng, khả năng chỉ cần sử dụng một hai câu mà đã lý giải được bản chất của tình huống chính trị này hay tình huống  chính trị khác cũng như  sự hài hước tinh tế của phương Đông…".

Tặng quà cũng khó

Thường là khi tới thực hiện phỏng vấn các nhà lãnh đạo quốc gia, nhà báo Gusman hay mang tặng nhân vật của mình những món quà mang tính biểu tượng. Đó có thể là các tập ảnh Điện Kremli nhưng cũng có thể là những đồ vật khác, tùy theo sở thích của nhân vật.

Thí dụ, khi tới phỏng vấn bà Megawati Soekarnoputri (nữ Tổng thống Indonesia trong giai đoạn từ tháng 7/2001 tới tháng 10/2004, con gái của cố Tổng tống Soekarno - NTT),  ông Gyusman đã mang theo món quà là bộ sưu tập phim hoạt hình "Hãy đợi đấy" vì ông đã biết được là, bà Megawati rất thích phim hoạt hình, đặc biệt những phim hoạt hình Xôviết. Khi còn nhỏ, trong các chuyến thăm Moskva cùng với cha, nữ Tổng thống tương lai đã "nghiện" những bộ phim hoạt hình này…

Tới phỏng vấn Tổng thống Israel trong giai đoạn từ tháng 8/2000 tới tháng 7/2007 Moshe Katsav, một người "nghiện" sưu tập tem, nhà báo Gusman đã mang theo một bộ tem Nga đồ sộ. Khi nhận quà, ông Katsav  hỏi: "Thế cơ quan tình báo nào nói cho ông biết sở thích của tôi, KGB hay MOSSAD?" (KGB là cơ quan tình báo Xôviết, MOSSAD là cơ quan tình báo khét tiếng của Israel - NTT).

Nhà báo Gusman đành phải trả lời rằng ông làm việc tại một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới, ITAR - TASS  và nguồn thông tin của hãng này thì cả KGB lẫn MOSSAD dù có hợp lại với nhau thì cũng đều phải ghen tị. Nhà báo Gusman khi tới phỏng vấn Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tặng cho nhân vật của mình bộ búp bê Matrioshka và bản in bằng tiếng Nga cuốn sách "Sự táo tợn của ước mơ" của ông chủ Nhà Trắng. Theo lời ông Gusman nói, dường như ông Obama rất cảm kích khi nhận những món quà này…

Mang quà đi tặng các nhân vật cần phỏng vấn, nhà báo Gusman đôi khi cũng được nhận những món quà ấn tượng đáp lại. Thí dụ, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi theo thói quen đã trở thành truyền thống, sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc đã tặng nhà báo Nga một bộ cà vạt (bản thân ông Gusman cũng rất thích sưu tập các mẫu cà vạt khác nhau).

Theo nhận xét của nhà báo Gusman, Thủ tướng Italia, Berlusconi, là một người đối thoại rất sinh động, rất hiểu luật chơi trong báo chí. Khi trả lời phỏng vấn, ông rất hay kể chuyện tiếu lâm. Ông thuộc rất nhiều chuyện tiếu lâm về chính bản thân ông…

Nguyên Tổng thống Slovakia, Rudolf Schuster (từ tháng 6/1999 tới tháng 6/2004) đã tặng cho nhà báo Nga món rượu tự nấu mà ông gọi một cách kiêu hãnh bằng cái tên của  chính mình…

Để tri ân bà Condoleezza Rice vì nhờ những cố gắng của bà trong việc tổ chức cuộc phỏng vấn vị Tổng thống Mỹ thứ 43 George Bush, nhà báo Nga Gusman rất muốn có mộåt món quà quý giá nào đó tặng cho bà Rice. Biết bà là người yêu âm nhạc và chơi nhạc rất khó, ông Gusman nảy sinh ý tưởng tìm kiếm một bản thảo tác phẩm của một nhạc sĩ Nga lừng lẫy nào đó.

Ông Gusman kể: "Tôi đã nhờ giáo sư Aleksey Vengerov, một nhà sưu tập nổi tiếng, để tìm một món quà nào đó thích hợp. Chỉ sau hai ba ngày, ông ấy đã gọi điện lại cho tôi và mừng rỡ thông báo: "Ở nước Nga thì tôi không tìm được cái gì xứng đáng dành cho anh.

Nhưng anh bạn Hunter của tôi ở bên Đức đang có một vật cực kỳ quý giá, được bảo quản rất tốt, - đó là sách nhạc chép tay của Sergey Rakhmaninov (nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ dương cầm vĩ đại người Nga -  NTT) dùng nó để làm quà thì tuyệt vời!". Tôi đã chuẩn bị bay ngay sang Đức nhưng tới cuối câu chuyện, tôi cũng hỏi xem giá mua món quà tuyệt kỹ đó thế nào. "Không có gì đáng kể đâu, chỉ khoảng 150 nghìn USD thôi!".

Tôi đành hạ giọng cảm ơn từ chối vị giáo sư khả kính vì hiểu rằng cuốn vở chép nhạc có giá trị như một vật để trong viện bảo tàng như thế sẽ không thể được đem tặng cho bà Rice. Tuy nhiên, tôi cũng thích ý tưởng tặng cho bà Rice một tập chép nhạc.

Và ngày hôm sau, trong một cửa hàng sách cũ, tôi đã tìm được bản in cổ vở opera "Con đầm Pích" của Piotr Tchaikovski, đang trong tình trạng rất tốt, lại được để trong một bao da đẹp. Và giá của nó cũng phải chăng - chỉ khoảng 100 USD.

Khi tôi vui mừng nói với người bán hàng: "Gói lại cho tôi!", tôi đã không ngờ rằng chính món quà đó đã làm tôi hao tâm tổn trí lớn. Bởi lẽ, theo những quy định rất chặt chẽ của người Mỹ, tất cả những món quà trị giá hơn 50 USD, được tặng cho các quan chức cao cấp của nước này, đều phải bị trưng thu và lưu giữ trong một nhà kho đặc biệt.

Bất cứ công dân Mỹ nào nếu muốn đều có thể kiểm tra danh sách đó mỗi năm một lần; danh sách này cũng được công bố hằng năm trên báo chí. Khi tôi đưa tặng cho bà Rice cuốn sổ chép nhạc, bà đã vỗ tay hoan hỉ. Rõ ràng là bà rất thích món quà đó, khác đi bà đã chẳng bày tỏ sự vui mừng đến thế. Thế nhưng, ngay sau buổi tiếp kiến, trợ lý của bà Rice đã tới gặp tôi và hỏi: "Ngài Gusman, cuốn sổ đó trị giá bao nhiêu?".

Tôi hiểu ngay ra rằng, nếu tôi nói đúng giá của nó thì chắc chắn bà Rice sẽ không được giữ cuốn sổ đó. Vì thế với vẻ mặt thật thà nhất mà tôi có thể có, tôi đã hãnh diện  trả lời: "À, đây là cuốn sổ của bà nội tôi để lại. Từ nhiều năm nay nó đã được lưu giữ trong nhà tôi như một vật kỷ niệm. Giờ tôi đã lấy nó đi để tặng cho TS Rice. Vì vậy, tôi không thể xác định được giá của nó".

Viên trợ lý rất khoái chí vì anh ta hiểu rằng bà sếp rất thích món quà do "bà nội ngài Gusman để lại" và chắc chắn sẽ giữ nó lại được cho mình vì món quà quý đó không thể xác định được giá, tức là có thể coi như giá rất rẻ, dưới 50 USD… Đúng là điều cấm nào cũng có thể bị bỏ qua, nếu những người trong cuộc cùng chung một ý nghĩ…

Lãnh đạo không vệ sĩ

Thông thường, các nhà lãnh đạo quốc gia được bảo vệ rất chu đáo bởi các vệ sĩ. Thế nhưng, cũng có một số nguyên thủ lại gần như không có vệ sĩ, thí dụ như Tổng thống Thụy Sĩ… Nhà báo Gusman kể về lần ông thực hiện phỏng vấn Tổng thống Áo (trong giai đoạn từ năm 1992 tới năm 2004), Thomas Klestil: "Cũng phải nói rằng, đối với một quốc gia trung lập như Áo thì đây là một chính trị gia rất đặc biệt. Khi còn là đại sứ Áo tại Mỹ, chính ông Klestin đã rất tích cực vận động cho việc Áo gia nhập NATO. Ông Klestil cũng đã kết thân với "sát thủ" Arnold Schwarzenegger (diễn viên điện ảnh, hiện là thống đốc bang California - NTT), một người Mỹ gốc Áo. Ông Klestil đã không sống hết nhiệm kỳ thứ hai của mình hơn một ngày…

Khi chúng tôi đi tới Dinh Tổng thống Hofburg tại thành Vienna, thì thấy ở chòi canh tại cổng trước có một người đàn ông lớn tuổi, có ria mép, rất bảnh, đang ngồi đầy kiêu hãnh. Tôi có cảm giác như người đàn ông này đã ngồi ở đây dễ tới mấy trăm năm. Nhìn thấy đoàn phóng viên với máy quay truyền hình lỉnh kỉnh, người đàn ông lớn tuổi đó hỏi: "Các vị đến đây làm gì vậy, tới gặp ai?".

Chúng tôi trả lời: "Chúng tôi tới gặp Tổng thống". "Thế thì quý vị vào đi", - người đàn ông lớn tuổi nói như không, thậm chí còn chả buồn nhìn vào giấy tờ mà chúng tôi đưa ra, cũng như không buồn kiểm tra máy móc mà chúng tôi mang theo"...

0 comments:

Đăng nhận xét