Quyển “Hồi ức về những ảo tưởng phi thường và sự điên cuồng của đám đông” của Charles Mackay là một quyển sách nổi tiếng trong giới tài chính. Bernard Baruch bảo là nhờ quyển này mà ông đã bán hết chứng khoán trước kỳ khủng hoảng kinh tế 1929. Một sự tự huyễn hoặc? Bởi quyển sách kể lại những niềm tin điên loạn vào những ảo tưởng đã từng một thời rất phổ biến.Khoáng từ giáo
Khoáng từ giáo dịch từ “mineral magnetism”, trong tiếng Anh nghĩa là một niềm tin, một chủ nghĩa, dựa trên sức mạnh của nam châm.
Paracelsus (1493-1541) vừa là chiêm tinh gia, vừa là bác sĩ, nhà giả kim, và còn nhiều lĩnh vực khác. Ông cũng là người đầu tiên nói đến khái niệm tiềm thức. Paracelsus tin rằng nam châm chính là hòn đá của triết gia, có sức mạnh thần diệu, có thể dùng để chữa bệnh. Khi hành nghề bác sĩ ở Basel (Thụy Sỹ), Paracelsus dùng một cục đá hoặc cục pha lê, mà ông ta bảo là có từ tính, để chữa bệnh động kinh, hoảng loạn, và các đột biến co giật khác.
Paracelsus tin là có thể dùng nam châm truyền bệnh từ cơ thể bệnh nhân xuống... đất.
Một tín đồ khác của Khoáng từ giáo bảo bệnh nhân uống bột nam châm, xong rồi đắp sắt vào vết thương để bột nam châm theo máu hút ra các loại u bướu.
Khoáng từ giáo lan truyền khắp châu Âu, là nguồn gốc của những phương pháp chữa bệnh như “bột cảm thông”, và “thuốc xoa vũ khí”. Những cái tên như Kenelm Digby (người Anh), Valentine Greatrakes (người Ireland), Francisco Bagnone (người Ý) đã đi vào lịch sử y học với những phương pháp dựa trên lý thuyết Khoáng từ giáo. Một số nhân vật nổi tiếng khác như van Helmont (người Bỉ) hay Balthazar Gracian (người Tây Ban Nha) cũng viết sách và lên tiếng ủng hộ niềm tin vào sức mạnh của “Khoáng từ diệu pháp”.
Thú từ giáo
Thú từ giáo dịch từ chữ “animal magnetism”, trong tiếng Anh nghĩa là một niềm tin, dựa trên sức mạnh từ tính của muôn loài, trong đó có con người.
Franz Mesmer (1734-1815), một bác sĩ người Đức, học y khoa tại Đại học Vienna, và viết luận án về đề tài ảnh hưởng của các hành tinh đến cơ thể con người. Mesmer tin rằng có một “chất” (fluid) nào đó có khắp vũ trụ mà dựa trên “chất” này các hành tinh, ngôi sao tác động hút đẩy lẫn nhau, tác động vào quả đất và muôn loài làm cho mọi thứ hoạt động hài hòa với nhau. Ảnh hưởng của chất này lên hệ thần kinh tạo ra hai trạng thái tâm lý gọi là sự căng thẳng (intension) và sự dịu êm (remission). Điều này có thể quan sát thấy ở nhiều chứng bệnh.
Khoảng năm 1772-1773, Mesmer gặp cha (cố) Hell - là Giáo sư khoa Thiên văn của Đại học Vienna. Cha Hell đã phát triển một vài cái đĩa thép nhiễm từ có hình dáng đặc biệt, và đã dùng nó chữa bệnh thành công bằng cách xoa lên người. Mesmer thử dùng đĩa và cũng thành công. Mesmer phát triển lý thuyết này, cho rằng chỉ cần “từ tính” của con người cũng đủ chữa bệnh. Ví dụ, Mesmer khám phá ra rằng chỉ cần di chuyển bàn tay từ đầu đến chân, không cần đụng đến bệnh nhân cũng có thể chữa bệnh. “Thú từ giáo” ra đời từ đó.
Sau một vài thất bại ở Vienna, tiếng tăm bị tổn hại, Mesmer chuyển sang Paris năm 1778. Ở đây, “Thú từ giáo” hay “Mesmer giáo” trở thành một hiện tượng thời thượng. Mesmer trở nên cực kỳ giàu có, đặc biệt có rất nhiều tín đồ là phụ nữ ở mọi thành phần sang hèn.
Từ “mesmerize” (mê hoặc) ra đời trong ngữ cảnh này. Đến mức vua Louis 16 (cùng thời với Nguyễn Ánh) phải ra lệnh thành lập một ủy ban điều tra, năm 1784.
Điều tra
Đây có lẽ là một trong những ủy ban điều tra uy tín nhất trong lịch sử nhân loại, bao gồm các thành viên như Benjamin Franklin (một trong những người sáng lập nước Mỹ, lúc đó là đại sứ của Mỹ ở Pháp), nhà thiên văn Jean Sylvain Bailly, bác sĩ Joseph-Ignace Guillotin, nhà hóa học Antoine Lavoisier...
Bailly viết báo cáo, ghi lại những cảnh tượng mà ủy ban điều tra chứng kiến:
Rất nhiều bệnh nhân ngồi quanh cái baquet (chậu nước lớn hình ovan, bên trong có nhiều chai chứa nước nhiễm từ, có nắp bằng sắt đục nhiều lỗ). Họ nhận điều trị từ tính bằng nhiều cách: dùng cái cần sắt cắm vào baquet, dùng các sợi dây cuốn quanh người, cùng liên kết giữa các ngón cái (để truyền từ tính từ các bệnh nhân khác). Trong khi đó tiếng piano hoặc là một âm thanh trầm bổng vang lên, truyền từ tính vào không khí. Các bệnh nhân cũng được nhiễm từ bằng cách dùng ngón tay hoặc gậy từ xoa lên mặt, lên đầu, vào vết thương hoặc bộ phận bị bệnh.
Các bệnh nhân với bệnh lý khác nhau phản ứng khác nhau. Có người bình thản. Có người ho, khạc nhổ, và thấy hơi đau, hơi nóng, và toát mồ hôi. Người khác thì từ từ lên cơn hoảng loạn, co giật cực kỳ man dại và đau đớn. Trước hoặc sau cơn hoảng loạn thì người ta rơi vào trạng thái trầm cảm, đôi khi choáng. Chỉ một thay đổi nhỏ trong âm thanh (như âm lượng piano) cũng có tác dụng lớn. Chơi nhạc nhanh thì kích thích bệnh nhân nhiều.
Không thể tả được cảm giác kinh dị khi chứng kiến những cơn điên loạn này. Ai chưa thấy thì không thể tin được là chúng có thể xảy ra. Hầu hết những người bị lên cơn là phụ nữ, rất ít đàn ông. Khi trạng thái hoảng loạn mê sảng đã lên đến đỉnh điểm, Mesmer bước vào, mặc đồ lụa và phất gậy phép bằng nam châm, màu trắng. Dùng gậy và dùng ánh mắt, Mesmer từ từ chữa các bệnh nhân khỏi trạng thái điên loạn. Mỗi buổi chữa bệnh mất vài tiếng.
Ủy ban điều tra mất năm tháng để làm thí nghiệm. Và cuối cùng họ cũng viết ra một báo cáo.
Sức mạnh của sự tự huyễn hoặc
Kết luận của ủy ban điều tra gồm hai ý chính:
- Quả thực là phương pháp của Mesmer có chữa được một số người bệnh.
- Nhưng kết quả chữa bệnh là do... người bệnh tự huyễn hoặc mình mà khỏi chứ không phải do có “từ tính” gì sất.
Nếu dùng phương pháp của Mesmer mà không cho bệnh nhân biết thì không có tác dụng gì cả. Nếu dùng baquet giả và các dụng cụ giả, không phải sắt hay nam châm thì vẫn có tác dụng y như khi dùng baquet thật (với cả các triệu chứng cuồng loạn, co giật), miễn là bệnh nhân tin rằng họ đang được chữa bằng Thú từ pháp.
Báo cáo này làm hỏng uy tín của Mesmer ở Pháp. Nhưng lúc này Mesmer đã giàu có, quay lại Đức và mất năm 1815.
Tín đồ Thú từ giáo vẫn lan ra Anh, Pháp, Đức, với các nhân vật như Bá tước de Puysegur (một trong những cha đẻ của phương pháp thôi miên, biến thể từ phương pháp Mesmer), Hiệp sĩ de Barbarin, bác sĩ Mainauduc, Holloway và Loutherbourg... Bọn họ kiếm được rất nhiều tiền và có nhiều người tin theo.
Đến khoảng năm 1796, một biến thể của Khoáng từ giáo xuất hiện ở Mỹ. Một bác sĩ Mỹ là Elisha Perkins, sáng chế ra một dụng cụ chữa bệnh gọi là “Perkins tractors”. Perkins cũng nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền nhờ chữa bệnh và bán Perkins tractors.
Sau khi Perkins mất (1810), các bác sĩ khác bắt đầu nghi ngờ. Các thí nghiệm với tractors giả cũng cho kết quả chữa bệnh y như tractors thật. Bác sĩ Haygarth ghi lại các khám phá của mình trong cuốn sách tựa đề “Về sự tự huyễn hoặc, như là nguyên nhân và cũng là phương pháp chữa các rối loạn trong cơ thể; qua thực nghiệm bằng bộ tractors giả và chứng co giật lây lan”. Đây là một quyển sách quan trọng trong lịch sử y học, vì có thể xem nó là một trong những tài liệu đầu tiên viết rất kỹ với cả kết quả thực nghiệm cụ thể về hiệu ứng placebo, tiếng Việt là “hiệu ứng giả dược”.
Hiệu ứng placebo
Ủy ban điều tra của Franklin và Lavoisier (về Thú từ giáo ở trên) làm thí nghiệm công khai đầu tiên minh họa hiệu ứng placebo. Những thí nghiệm kể trên cũng chính là những thí nghiệm được các nhà nghiên cứu y khoa ngày nay gọi là các thí nghiệm có điều khiển placebo (placebo-controlled experiments). Đại khái, chúng ta có thể thử bệnh nhân với các “gậy nhiễm từ” giả hoặc thật, với bệnh nhân biết hoặc không biết rằng các gậy này là giả hay thật. Các thí nghiệm này cho ta biết là các cải tiến về sức khỏe của bệnh nhân là thật hay do tự huyễn hoặc mà ra.
Hiện nay, hiệu ứng tâm lý placebo đã được y học hiện đại nghiên cứu tương đối kỹ. Hiệu ứng này (và hiệu ứng nghịch đảo nocebo) hầu như là luôn hiện hữu trong bất kỳ trường hợp điều trị nào: điều trị tâm lý, vật lý, hay thuốc thang. Ví dụ, để thử thuốc mới thì người ta làm một viên thuốc giống hệt bằng... đường. Xem tác động của thuốc là tâm lý hay sinh/vật lý. Thậm chí, các viên thuốc placebo (bằng đường) này còn có hiệu quả... tốt hơn các viên thuốc chống trầm cảm (anti-depression). Tách biệt hiệu ứng placebo ra khỏi hiệu ứng sinh/vật lý của một phương pháp chữa trị mới là rất khó khăn, cần nhiều thời gian, phân tích và rất nhiều phác đồ điều trị thử nghiệm khác nhau.
Hiệu ứng placebo cũng đã được thử rất nhiều để xem xét tác dụng của châm cứu. Kết luận sơ khởi là:
- chưa có bằng chứng cho thấy có sự tồn tại của “huyệt đạo”;
- châm cứu giả có tác dụng chẳng kém gì châm cứu thật (kể cả khi không dùng kim châm vào da), tác dụng đa phần là tác dụng tâm lý, bị ảnh hưởng bởi văn hóa và niềm tin, và nhìn chung
- có vẻ như châm cứu không có tác dụng nào hơn hiệu ứng placebo.
Tuy vậy, tác dụng tâm lý của châm cứu vẫn rõ rệt với một số trường hợp nhất định, và vì thế một số tổ chức y tế như NIH vẫn khuyến khích sử dụng và nghiên cứu tiếp (1997).
Các nhà nghiên cứu y khoa vẫn tranh cãi về việc dùng hiệu ứng placebo như vậy để “lừa” bệnh nhân thì có hợp đạo đức nghề y không. Do chữa trị theo hiệu ứng placebo tùy vào niềm tin và từng cá nhân, nếu có dùng nó thì chỉ nên là chọn lựa cuối cùng.
Tương tự như Mesmer, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều “nhà truyền đạo” trị bệnh bằng niềm tin sâu sắc của bệnh nhân. Phương pháp này còn gọi là “Faith Healing”. Một vài người dùng phương pháp này rất nổi tiếng đã bị khám phá là lừa đảo, ví dụ như vụ Peter Popoff, hay Benny Hinn trong một phóng sự của ABC News...
Và, nếu một lúc nào đó, bạn tham dự một lễ “gọi hồn” mà một ai đó hay kể cả người nhà của mình tự nhiên ngã vật ra, nói lảm nhảm, co giật, thì cũng không nên quá ngạc nhiên. Hiệu ứng tự huyễn hoặc chỉ có tác dụng với những người tin tuyệt đối. Ta thường hay nghe nói rằng những người “nặng vía” (nghĩa là không tin lắm) thì “gọi hồn” không có tác dụng gì. Cũng đừng ngạc nhiên!
Ngô Quang Hưng.
0 comments:
Đăng nhận xét