Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

40,000 người Việt chết vì thuốc lá mỗi năm?


Hôm qua đọc trên RFA có một con số làm tôi phải suy nghĩ. Đó là phát biểu của một quan chức cho rằng “mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người chết vì thuốc lá”. Thuốc lá dĩ nhiên là có hại, nhưng làm sao ước tính được bao nhiêu người chết vì thuốc lá? 

Trong thời gian gần đây, qua những nghiên cứu của chúng tôi, dần dần người ta mới biết những bệnh nhân bị gãy xương do loãng xương thường chết sớm. Nhất là bệnh nhân gãy cổ xương đùi, khoảng 12-20% bệnh nhân chết trong vòng 1 năm sau khi bị gãy xương. Nam chết nhiều hơn nữ. Thật ra, nguy cơ nam chết cao hơn nữ đã hình thành ngay từ khi còn trong bụng mẹ! Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao bệnh nhân chết sau khi bị gãy xương. Chúng ta không thể nói gãy xương là nguyên nhân tử vong. Không ai ghi gãy xương là nguyên nhân chết trong giấy chứng nhận tử vong.

Tương tự, không ai ghi trong giấy chứng nhận tử vong là bệnh nhân chết vì … hút thuốc lá. Do đó, không thể nói thuốc lá là nguyên nhân tử vong. Và vì thế rất khó nói bao nhiêu trường hợp tử vong là do thuốc lá gây ra. Nói cho cùng, tử vong là một hệ quả sau cùng của sự tích lũy rất nhiều rối loạn và suy thoái các cơ phận, chứ không phải chỉ một nguyên nhân duy nhất. Vì thế, càng khó nói thuốc là thủ phạm chính của bao nhiêu trường hợp tử vong.

Bệnh nhân có thể chết vì ung thư phổi, ung thư ruột, ung thư gan, đột quị, suy tim, viêm phổi, v.v. Những bệnh này có liên quan, ít hay nhiều, với thói quen hút thuốc lá. Do đó, trên quan điểm dịch tễ học, chúng ta chỉ có thể ước tính một cách chung chung về số tử vong có liên quan đến hút thuốc lá – thuật ngữ tiếng Anh gọi là population attributable risk fraction (PARF). PARF phụ thuộc vào 2 thông số chính: tần số người hút thuốc lá, và mối liên hệ giữa hút thuốc lá và tử vong. Chúng ta sẽ xem qua 2 thông số này ở Việt Nam.

Theo một nghiên cứu, tỉ lệ đàn ông, thanh niên Việt Nam hút thuốc lá là cao hơn 49%. Ở độ tuổi 25-45, cứ 100 người có đến 65 người hút thuốc lá. Gần 99% người hút thuốc lá ở VN là nam giới, nên chúng ta chỉ tập trung bàn về ảnh hưởng của hút thuốc lá ở thanh niên, đàn ông.

Về ảnh hưởng của thuốc lá đến tử vong hình như chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống ở Việt Nam. Nhưng kết quả của một phân tích tổng hợp từ nhiều quần thể cho thấy nam hút thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc lá.

Gọi tần số hút thuốc lá là p và tỉ số nguy cơ tử vong có liên quan đến thuốc lá là RR. Chúng ta có p = 0.5 và RR = 2.0. Từ đó, chúng ta có thể ước tính số tử vong ở nam giới có liên quan đến thuốc lá như sau:


PARF = 0.5*(2 – 1) / [1 + 0.5*(2 – 1)] = 0.33

Nói cách khác, thuốc lá là thủ phạm gián tiếp của 33 các ca tử vong ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 450,000 người chết ở Việt Nam. Nam chết nhiều hơn nữ. Do đó, số nam tử vong có thể là 450,000*0.55 = 247,500. Theo ước tính trên thì một phần ba trong số này là có liên quan đến thuốc lá. Một phần ba của 247,500 là 82,490. Nói cách khác, mỗi năm, số đàn ông chết có liên quan đến hút thuốc lá là 82,450 người (tức cao gấp hai lần ước tính của quan chức y tế).

Nhưng ngay cả ước tính 82,450 vẫn chưa chính xác và có thể chưa hợp lí. Chưa hợp lí là vì như tôi đề cập trên, tử vong là hệ quả của nhiều yếu tố có tương tác với nhau. Người hút thuốc lá thường uống bia rượu và có cuộc sống mạo hiểm hơn người không hút thuốc lá. Ước tính trên dựa vào giả định rằng ảnh hưởng của hút thuốc lá độc lập với các yếu tố như bia rượu và lối sống, một giả định có thể nói là quá đơn giản. Ngoài ra, con số trên cũng chưa tính đến những người đã từng hút thuốc (nhưng nay thì đã bỏ) và những người “hút thuốc lá thụ động” (passive smoking) vốn cũng có nguy cơ tử vong tăng cao.

Nhưng nói gì thì nói, chúng ta có bằng chứng để phát biểu rằng hút thuốc lá là một trong những yếu tố (chưa dám nói “nguyên nhân”) có liên quan đến rất nhiều ca tử vong. Chúng ta biết rằng mỗi năm có 14 ngàn người chết vì tai nạn giao thông, và đó là một con số rất lớn. Nhưng khi so với ảnh hưởng của hút thuốc lá thì tai nạn giao thông chỉ là một yếu tố tương đối … khiêm tốn. Nếu những con số trên là một bài học thì chúng ta đã thấy cần phải tập trung nỗ lực vào giảm hút thuốc lá trong cộng đồng.

Nguyễn Văn Tuấn.

0 comments:

Đăng nhận xét