"Nhiều khi tôi nhìn thấy những cô gái tỉnh lẻ bắt chước Tây, Tàu ăn mặc hở hang, bày hàng trước mặt, tôi còn cảm thấy xấu hổ cho chính mình" - chị Mai Khanh (50 tuổi, phố Phúc Tân, Hà Nội) nhận xét.Gần đây tôi thấy đâu cũng bàn tán về hình ảnh Hà Nội đang bị mất dần đi những vẻ đẹp cổ xưa, từ lời ăn tiếng nói đến cách cư xử giữa người với người. Tất cả cũng đang bị bóp méo, lệch lạc.
Nói người tỉnh lẻ dạt về làm hỏng Hà Nội thì cũng không oan. Tôi là một phụ nữ gốc Hà Nội, tôi thấy rất nuối tiếc cho một Hà Nội cổ kính, với nét đẹp đặc trưng của Người Tràng An, văn minh, lịch sự, duyên dáng, e ấp.
Đối với tôi hình ảnh về Hà Nội xưa quá đẹp, mặc dù khi tôi lớn lên những hình ảnh về người Hà Nội xưa đã mất đi ít nhiều nhưng nét đẹp đặc trưng của nền văn hóa, của con người Hà Nội thì không gì có thể thay thế được.
Người ngoại tỉnh chỉ biết đến tiền nhưng lại mất vệ sinh
Đầu tiên phải nói về cách sống. Người Hà Nội xưa người ta sống với nhau khác, gia đình ý thức nề nếp, biết yêu thương, đùm bọc còn người ngoại tỉnh rất ích kỷ, bon chen, tất cả chỉ vì mưu sinh vì kiếm tiền.
Giờ tìm xem còn được bao nhiêu người Hà Nội gốc, ít lắm. Đâu đâu cũng thấy người ngoại tỉnh, họ đổ về để kiếm sống, kiếm cái nhà, kiếm tấm chồng, kiếm cái bìa đỏ...
Xung quanh khu nhà tôi, một nhà Hà Nội gốc thì có cả dãy là dân ngoại tỉnh. Cách sống của họ mới đầu khiến tôi rất khó chịu. Nhưng lâu dần do sống gần mình họ cũng đã thay đổi ít nhiều.
Hà Nội từng sạch. Tôi phải nói rằng, chưa bao giờ thấy Hà Nội bẩn thỉu, nhếch nhác như bây giờ. Mà nguyên nhân chính cũng là do người ngoại tỉnh dạt về. Trước kia, Hà Nội đâu có như bây giờ, Hà Nội sạch sẽ, không có rác như thế.
Sau này, những người từ tứ xứ dạt về họ làm ăn, sinh sống nên cũng mang theo những "đặc sản" của từng vùng miền. Cái hay thì tôi chưa thấy, cái xấu tôi thấy rất nhiều. Đầu tiên là ở bẩn. Đi ra đường là thấy khạc nhổ bừa bãi, ăn mặc nhếch nhác, chỗ này một bọc rác, chỗ kia là túi nilon, chỗ khác là tè bậy.... nói chung là ý thức kém, không thể chấp nhận được.
Chuyện nhỏ như chuyện vứt rác thôi cũng đã thấy ý thức của người dân ngoại tỉnh kém thế nào. Nhà tôi vốn là người Hà Nội gốc nên tôi rất chú trọng đến việc giữ gìn nề nếp gia đình từ cách ăn nói, đi đứng, đến cách sống, cách đối nhân xử thế.
Tôi đã từng chứng kiến cảnh tối hôm trước trước nhà mình sạch bong, sáng hôm sau đã có vài bọc rác. Bực một điều, những người tỉnh lẻ đã ý thức kém lại cố tỏ ra thanh cao.
Họ không vứt rác trước cửa nhà mình vì họ cũng biết làm như vậy là bẩn, là mất vệ sinh không thể chấp nhận được, nhưng vứt sang nhà khác thì không ai biết mình ở bẩn hay ý thức kém. Lại là lối sống ích kỷ của người dân tỉnh lẻ, chỉ bo bo nghĩ cho mình mà không có ý thức chung, không có ý thức cộng đồng.
Tiếp đến là cách ăn nói. Người Hà Nội xưa, họ nói năng rất nhẹ nhàng, lịch sự một thưa hai gửi. Còn bây giờ, tôi có cảm giác người ta không còn chú trọng đến lời ăn tiếng nói của mình mà thường để nó rơi tự do, bạ đâu nói đấy, không có đầu có cuối. Có bao giờ nghe thấy một tiếng nói, tiếng cười ồn ã ngoài đường, thường họ rất kín đáo, tế nhị.
Còn bây giờ ăn nói lôm côm, nói cười hô hố... Điều này, không phải bây giờ tôi mới thấy, mà sự thay đổi này tôi đã thấy cách đây đến cả hơn chục năm về trước. Nguyên nhân chính cũng lại là do văn hóa của người tỉnh lẻ du nhập, chứ người Hà Nội họ đâu có ăn nói như vậy.
Đơn giản như cách xưng hô, cách ứng xử người Hà Nội xưa, khi nói chuyện với bố mẹ phải thưa gửi lễ phép, với thầy cô phải kính trọng. Trước kia học sinh khi nhìn thấy thầy cô giáo đều khoanh tay cúi xuống chào thể hiện lòng tôn kính.
Bây giờ thầy không ra thầy, trò cũng không còn là trò. Ăn nói lố lăng, con cãi bố mẹ, thầy đưa trò vào nhà nghỉ, học sinh lấy tình đổi điểm... Tất cả tôi cho rằng, nguyên nhân vẫn là do cách sống xô bồ, buông thả của người ngoại tỉnh.
Đơn cử như trong chuyện yêu đương, con gái Hà Nội xưa vốn rất hiền dịu, nết na. Khi đến tuổi yêu đương có ai để ý là phải vào nhà xin phép ngồi nói chuyện, không được đưa nhau ra ngoài đường, không được tự ý đi chơi tối,...
Còn bây giờ thì nào là ôm ấp, hôn hít, chui rúc bụi rậm, xó xỉnh đủ kiểu... Có khi nó còn làm chuyện đó ngay trước mặt người lớn. Đó cũng là do ý thức, do cách giáo dục của con người. Người Hà Nội xưa đâu có như vậy.
Đó không phải là sản phẩm của người tỉnh lẻ du nhập mang về thì là ở đâu?
Bố mẹ vô văn hóa, con cũng chửi bậy
Tôi cho rằng tất cả là do môi trường, do cách giáo dục từ nền tảng gia đình. Tôi may mắn được sinh ra là người Hà Nội gốc nên tôi được hưởng một nền giáo dục căn bản từ gia đình. Mặc dù bố mẹ tôi ngày xưa không phải dạy con cái nhiều nhưng chúng tôi tự ý thức được và nhìn vào tấm gương bố mẹ mà sống cho chuẩn mực.
Trong gia đình tôi luôn giữ cho mình cách dạy dỗ con cái nhẹ nhàng, nền nếp. Khi con tôi làm việc gì đó sai, tôi sẽ nhẹ nhàng phân tích, khuyên bảo chứ không như cách dạy con của người dân ngoại tỉnh.
Tôi đã từng chứng kiến quá nhiều cảnh bố mẹ ăn nói vô văn hóa, nói như vỗ mặt con, rồi chửi bới có khi là "con đĩ, tổ sư mày..."...Người Hà Nội xưa họ đâu có giáo dục con như thế, bố mẹ cũng còn ăn nói, chửi bậy thì con cái chửi bậy cũng là lẽ đương nhiên.
Tôi có hai cậu con trai, cả hai đều đang theo học đại học và đều rất ngoan do thừa hưởng cách giáo dục nền nếp của gia đình. Con trai tôi cháu lớn dù đã 24 tuổi nhưng cũng chưa biết đi ra ngoài buổi tối bao giờ, đi học về là về nhà, ăn cơm xong lại học bài rồi đi ngủ. Không được nhuộm tóc xanh, tóc đỏ, mặc dù đã 24 tuổi nhưng quần áo của con tôi vẫn là do tôi mua cho.
Theo tôi, cho dù bản chất có tốt mười mươi nhưng hình thức bên ngoài cũng rất quan trọng. Nếu nhìn những người đầu tóc chào mào nhuộm xanh, nhuộm đỏ, quần áo thì xẻ chỗ nọ vá chỗ kia, chỉ cần nhìn như vậy đã khiến cho người khác có cảm giác không an toàn.
Ngay cả chuyện yêu đương tôi cũng luôn hướng cho con mình tới vẻ đẹp chân quê, giản dị. Tôi nói thẳng với con mình nếu có yêu ai thì phải chọn người kín đáo, duyên dáng chứ áo ngắn, cạp trễ, hở cả ngực, cả mông là tôi không bao giờ đồng ý.
Cứ nghĩ xem, một người con gái áo quần cũn cỡn, với một người con gái duyên dáng, chân phương thì ai đẹp hơn. Hơn nữa, một người vợ thực sự phải là của mình chứ không thể là sexy, khiêu gợi phơi ngực cho cả "bách gia trăm họ" cùng nhìn được.
Nhiều khi tôi nhìn thấy những cô gái tỉnh lẻ bắt chước Tây, Tàu ăn mặc hở hang, bày hàng trước mặt; tôi còn cảm thấy xấu hổ cho mình. Đấy là những bông hoa không có người hái, mà nếu có người hái thì những người đó cũng chẳng ra gì.
Cái này cũng là do thói quen sống của người nông thôn, ít học, giáo dục không đến nơi đến chốn. Khi ra thành phố có thể họ cũng phải thay đổi ít nhiều để hòa nhập với cộng đồng nhưng để hài lòng với cách sống của người Hà Nội như chúng tôi thì chưa thể đáp ứng được.
Mai Khanh (Phố Phúc Tân - Hà Nội) - Theo " Phụ nữ Today".
0 comments:
Đăng nhận xét