Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Chợ Cồn & sự trả lại những giá trị, danh xưng cũ

Chợ Cồn xưa
HĐND TP Đà Nẵng vừa quyết định trả lại tên cho chợ Cồn, tức xóa bỏ cái tên “Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng”, lấy lại tên cũ từ hơn 30 năm trước.

Theo văn bản nghị quyết đã được thông qua của HĐND: Tuy có tên chính thức là Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng nhưng người dân thành phố từ trước đến nay vẫn quen gọi là "chợ Cồn". Để phù hợp với tên gọi quen thuộc, nay đổi lại tên Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng thành chợ Cồn như cũ.


 Cái tên "chợ Cồn" có từ những năm 40 của thế kỷ trước. Do chợ nằm trên một cồn đất cao nên cư dân địa phương quen miệng gọi mãi thành tên. Thoạt đầu, chợ được xây dựng trên một cồn cát đầy lau sậy và lạch nước, các gian chợ là những dãy chòi tre. Theo thời gian, chợ được tu bổ bằng những vật liệu kiên cố hơn, dần dần hình thành những cụm ki ốt liên đới sầm uất.

Từ trước 1975 cho mãi đến những năm trước đổi mới, chợ Cồn được xem là đông đúc, sầm uất nhất Đà Nẵng và là khu chợ bán sỉ- lẻ lớn nhất của miền Trung.

Chợ Cồn nay
Đến năm 1985, chợ Cồn được xây dựng lại thành một khu nhà 3 tầng với diện tích rộng trên 1,4 vạn m2 và bị đặt cho một cái tên khác là “Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng”. Dù mang một cái tên khác, nhưng gần 30 năm qua, cư dân Đà Nẵng vẫn quen gọi theo tên cũ là chợ Cồn. Hoặc có gọi, giới thiệu cho người nơi khác đến thì cũng luôn kèm theo cái đuôi “Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng” tức là chợ Cồn cũ.

Không quen với tên gọi mới. Sau nhiều thập niên, cái tên “Trung tâm thương nghiệp” vẫn không thể “ăn” được vào thói quen, cách gọi và nếp nghĩ của cư dân. Vì thế, ngay từ đầu năm 2002, ban quản lý các chợ Đà Nẵng đã chính thức đệ đơn xin chính quyền thành phố trả lại tên gọi cũ. Chỉ là cái tên gọi, nhưng cũng phải mất hơn 10 năm... tranh đấu kiên trì. Ý kiến, bàn thảo mãi đến hơn 10 năm sau, HĐND TP Đà Nẵng mới dũng cảm quyết định trả lại tên gọi cũ cho chợ Cồn.

Cùng với việc trả lại tên gọi cũ, chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng quyết định dành một nguồn kinh phí không nhỏ để cải tạo nâng cấp khu chợ này. Có thể rồi nó sẽ to lớn đồ sộ khang trang hơn, nhưng chợ thì vẫn là chợ, không thể là cái “trung tâm” này nọ được.

Như vậy là sau gần 30 năm với những biến thiên của thời cuộc, chợ Cồn lại trở về tên xưa. Việc trả lại tên cho chợ Cồn không chỉ là trả lại một thương hiệu, một cách gọi quen, mà hơn cả đấy là trả lại một giá trị văn hóa đã ăn sâu trong tiềm thức và tâm khảm của cư dân Đà Nẵng.

chợ Đông Ba biến thành Trường Tiền Plaza
Chỉ là chuyện tên gọi một cái chợ, nhưng đâu phải địa phương nào cũng dám làm và làm được như Đà Nẵng. Chợ Đông Ba Huế, cái tên như một thương hiệu di sản ấy cũng bị thay thành “Trường Tiền Plaza”. Một đô thị văn hóa di sản như Huế nhưng lại ứng xử với cái chợ Đông Ba như một cuộc cưỡng lai thô bạo.

“Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá/ Đò từ Vĩ Dạ thẳng ngã Ba Sình”- Liệu Huế có còn là Huế nếu không còn nữa chợ Đông Ba? Không thể tin nổi và không hiểu vì sao, ai đã dám xóa đi mất cái “chợ Đông Ba” của Huế. Đông Ba là một góc hồn của Huế. Bài thơ đô thị Huế sẽ mất thơ một khi đã “Plaza” hóa Đông Ba.

Từ chợ Cồn tới Đông Ba. Chỉ là chuyện cái tên thôi, nhưng còn gì nữa, còn đâu nữa?

Thành phố Hồ Chí Minh. Cái tên Sài Gòn bị xóa để thay bằng tên cụ Hồ từ sau 1975. Có thể nhiều người quen và thích cái tên này. Nhưng tôi thấy cứ ngường ngượng và chẳng thích tí nào. Thành phố Sài Gòn “hòn ngọc Viễn Đông” đã như một giá trị văn hóa đầy tự hào và kiêu ngạo, không chỉ với Việt Nam, mà đó còn là cách gọi, danh xưng quen thuộc với cả vùng Viễn Đông và thế giới.

Kính trọng Hồ Chí Minh. Nhưng không phải cứ đem tên cụ đặt cho thành phố mới là sự kính trọng. Thậm chí nhiều khi, trong nhiều trường hợp, ngữ cảnh, việc dụng tên lãnh tụ như thế lại vô tình thành xem thường, phỉ báng. Ví như khi nhận xét Sài Gòn ồn ào nhộn nhạo xô bồ nhếch nhác quá, Sài Gòn ăn chơi quá, Sài Gòn nhậu khiếp quá, Sài Gòn bất an quá, Sài Gòn bẩn quá, Sài Gòn hôi quá... nghe chẳng sao, nhưng bảo Hồ Chí Minh ồn ào nhộn nhạo xô bồ nhếch nhác quá, Hồ Chí Minh ăn chơi quá, Hồ Chí Minh nhậu khiếp quá, Hồ Chí Minh bất an quá, Hồ Chí Minh chật chội quá, Hồ Chí Minh bẩn quá, Hồ Chí Minh hôi quá... thì quả là bất nhã, báng bổ. Thậm chí ngay cả khi khen Hồ Chí Minh sạch quá, con gái Hồ Chí Minh đẹp quá, sexy quá nghe cũng không ổn.

Rất nhiều trường hợp nhiều ngữ cảnh, tên gọi TP Hồ Chí Minh nghe cứ như một sự áp đặt khó ăn nhập. Suốt 37 năm qua, nhiều người nhiều chỗ nhiều nơi nhiều trường hợp, cái tên Sài Gòn vẫn được dùng như một thói quen và giá trị không thể thay đổi được. Thậm chí ngay cả tên gọi tờ báo đảng của thành phố suốt mấy chục năm qua vẫn được giữ nguyên là Sài Gòn Giải Phóng (chứ không đổi thành báo Hồ Chí Minh). Rồi báo Sài Gòn Tiếp Thị chứ không phải báo Hồ Chí Minh Tiếp Thị, Thời báo Kinh tế Sài Gòn chứ không phải Thời báo kinh tế Hồ Chí Minh, báo Doanh Nhân Sài Gòn chứ không phải báo Doanh nhân Hồ Chí Minh...

chợ Bến Thành
Cũng may là chợ Bến Thành, một khu chợ được xem như biểu trưng văn hóa của Sài Gòn còn giữ được tên gọi xưa. Chứ nếu cũng đổi thành chợ Hồ Chí Minh hay Hồ Chí Minh Plaza thì... khốn khổ!

Vì thế, ý tưởng cho việc thay trả lại tên gọi Sài Gòn cũ cũng đừng nên nặng nề quá, đừng qui chụp là chống phá phản động, là này nọ búa xua. Nên nghĩ và xem đó là một thái độ văn hóa, là sự trả lại một giá trị văn hóa, một danh xưng đầy tự hào và kiêu ngạo của vùng đất phương Nam.

Chuyện không chỉ giản đơn là tên gọi một cái chợ, tên gọi một thành phố, một địa danh. Mà đó là thái độ văn hóa dám đoạn tuyệt, vứt bỏ những khuôn mẫu không phù hợp, khó ăn nhập với thực tiễn cuộc sống. Vì thế, đó không chỉ là chuyện tên gọi một cái chợ Cồn, chợ Đông Ba, không chỉ là cái danh xưng thành phố Hồ Chí Minh hay Sài Gòn hoặc rất nhiều những danh xưng khác. Đó là những giá trị văn hóa, là cách nhìn và thái độ văn hóa, là những câu chuyện văn hóa lớn.

0 comments:

Đăng nhận xét