Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Fukuzawa Yukichi: Khuyến học


Fukuzawa Yukichi (tên dịch ra tiếng Việt là Phúc-Trạch Dụ-Cát, 1835-1901) là nhà tư tưởng tiến bộ, nhà giáo dục có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào Khai Sáng ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tạo tiền đề cho Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới. Lòng biết ơn của người Nhật đối với Fukuzawa được thể hiện qua việc hình ông được in trên tờ tiền 10.000 yên (tờ tiền có mệnh giá lớn nhất của Nhật); cho dù ông chẳng phải là một đấng quân vương hay vị tướng lỗi lạc của đất nước mặt trời mọc:

Tầm ảnh hưởng của Fukuzawa không chỉ giới hạn trong Nhật Bản. Ông đã dành khá nhiều công sức thúc đẩy chương trình cải cách và khai sáng cho các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam [1]. Tại Việt Nam, các phong trào Duy Tân hội và Đông Du của Phan Bội Châu, Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can, Phan Chu Trinh đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng tiến bộ của Fukuzawa. Rất tiếc rằng các tư tưởng "canh tân" ở Việt Nam trong giai đoạn này, cũng giống như ở Trung Quốc và Triều Tiên, đều bị thất bại. Bài viết này mong muốn giới thiệu tới người đọc một số tư tưởng lớn của Fukuzawa, bởi cho đến nay, chúng vẫn có ý nghĩa thực tế ở Việt Nam.

Tư tưởng Thoát Á của Fukuzawa

Có dịp được tiếp xúc với văn minh phương Tây qua sách vở và những chuyến viếng thăm Mỹ và Châu Âu vào cuối thế kỷ 19, Fukuzawa nhận định rằng văn minh phương Tây phát triển hơn Châu Á về nhiều mặt, và các nước Châu Á khó lòng duy trì được nền độc lập nếu cứ đóng cửa trước văn minh phương Tây. Theo ông, dành được quyền tự trị chưa phải đã là độc lập, mà nền độc lập thật sự chỉ có thể thành hiện thực thông qua việc trở thành một quốc gia tiên tiến và văn minh. Nếu không có sự khai sáng và văn minh, nền độc lập dành được sẽ mau chóng mất đi để rồi lại lệ thuộc vào các quốc gia tiên tiến khác [1].

Nhận thức được các nước trong khu vực Châu Á mới chỉ ở mức "bán văn minh", không thể là tấm gương cho Nhật Bản học hỏi, trong bài "Thoát Á Luận", Fukuzawa kêu gọi nước Nhật hãy "tách ra khỏi hàng ngũ các nước Châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây". Ông chủ trương mở cửa giao thương với phương Tây, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm quản lý xã hội của phương Tây để phát triển Nhật Bản. Quan điểm này của Fukuzawa đã được chứng minh bằng thực tế: Ở Châu Á, chỉ có Nhật Bản và Thái Lan, hai nước chủ trương mở cửa, là tránh được sự xâm lược và thôn tính của các nước phương Tây. Chính sự du nhập của những giá trị dân chủ và nền giáo dục khoa học kiểu phương Tây đã khiến Nhật Bản không bị phương Tây xâm lược, mà ngược lại, trở thành cường quốc từ cuối thế kỷ 19 [2].

Fukuzawa tin rằng giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, bởi bản chất của văn minh là sự phát triển kiến thức và đạo đức nội tại của dân tộc:
"Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người. Nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần của con người là kiến thức và đạo đức, [do đó] bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người"[4]
Fukuzawa cho rằng nền giáo dục Nho học truyền thống ở Nhật Bản chính là sự cản trở lớn nhất của nền văn minh: Nó vừa cổ hủ vừa chậm phát triển, hàng nghìn năm vẫn không thay đổi, chỉ coi trọng hình thức bên ngoài giả tạo mà coi thường chân lý và nguyên tắc. Số lượng người đi học đã ít ỏi, lại chỉ được dạy đọc / viết mà không được khuyến khích phát triển tư duy sáng tạo và độc lập. Chính vì vậy, Fukuzawa kêu gọi người dân hãy theo đuổi nền giáo dục thực học của phương Tây, dựa trên nền tảng khoa học và kỹ thuật. Mỗi người trong xã hội, từ các học giả uyên bác, những viên chức nhà nước địa vị cao đến những nông dân nghèo và những người buôn bán nhỏ đều có thể đi học để thực hiện tốt hơn chức năng riêng của mình, từ đó đóng góp sức mình vào phát triển xã hội, chứ không nhất thiết phải học để ra làm quan theo lối suy nghĩ truyền thống của Nho học hủ lậu. Fukuzawa phê phán lối học ấy trong xã hội Nhật đương thời:
"Trong xã hội Nhật Bản, mười người thì cả mười, trăm người thì cả trăm, tất cả đều mưu cầu việc tiến thân, thăng quan tiến chức và trở thành công chức"[2]
"Thỉnh thoảng có những học sinh tu nghiệp ở nước ngoài về và nhiều người rất nghiêm chỉnh đến chỗ tôi, lòng đầy nhiệt huyết bảo rằng không bao giờ có ý nghĩ sẽ làm quan chức suốt đời cho chính phủ. Vì từ đầu tôi đã không kì vọng gì điều đó, nên cũng chỉ nghe cho qua chuyện. Nhưng lâu lâu không thấy “tiên sinh giương tinh thần độc lập” ấy đâu, hỏi ra mới biết đã chễm chệ thành một thư kí cho bộ nào đó. Theo kiểu kẻ nào gặp vận may thì thành quan to ở địa phương, nên tôi không ngăn gì chuyện đó. Sự tiến thoái của mỗi con người là tự do, tự tại của họ, nhưng việc tất cả mọi người trên đất nước này đều hướng đến mục đích duy nhất là chính phủ và nghĩ chắc chắn rằng, không còn cách lập thân nào khác chính là hủ phong còn rớt lại của nền giáo dục Nho gia."[2]
Fukuzawa là người đưa ra nguyên tắc nổi tiếng: "Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân" (national independence through personal independence), tức là một xã hội muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo, chứ không phải dựa vào chính phủ. Ông kêu gọi các sĩ phu Nhật Bản làm việc theo phương châm "coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ", tự tin vào sức mạnh cá nhân (individual strength) mà không phụ thuộc vào sức mạnh của người khác (đây chính là tư tưởng Khai Sáng của Kant).

Để phổ biến kiến thức văn minh và tư tưởng tiến bộ phương Tây tới dân chúng, Fukuzawa đã viết trên 100 cuốn sách giải thích và biện minh cho thể chế chính quyền nghị viện, giáo dục phổ thông, cải cách ngôn ngữ và quyền của phụ nữ [3]. Ông còn mở trường Đại học Keio (Trường Khánh Ứng Nghĩ Thục), nay trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của Nhật Bản, để đào tạo những thế hệ thanh niên Nhật Bản theo phương thức mới. Cùng với một nhóm trí thức cùng tư tưởng, Fukuzawa cho ra mắt tờ báo Jiji Shimpo năm 1882, đây là một cơ quan tuyên truyền có tác động rất lớn đến công chúng Nhật Bản. Ông không coi mình là người làm chính trị, mà chỉ là "bác sĩ bắt mạch chính trị": Ông không tham gia chính quyền, dù được mời nhiều lần, nhờ đó có cơ hội phê phán chính quyền một cách mạnh mẽ và kiên quyết hơn.

Bạn đọc có thể tải về bản dịch tại đây.

-----

[1] Fukuzawa Yukichi (1835-1901) - Nhà tư tưởng công cuộc duy tân Minh Trị của Nhật bản Nguyễn Cảnh Bình (Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng số tháng 8/2002)
[2] Lời tựa cuốn "Phúc ông tự truyện"
[3] Fukuzawa Yukichi - Nhà canh tân giáo dục Nhật Bản thời Minh Trị
[4] Fukuzawa Yukichi (written by Nishikawa Shunsaku)

0 comments:

Đăng nhận xét