Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Mike Reid - Những ngôi trường khủng khiếp cho trẻ em toàn thế giới

Tại cuộc họp của Liên hiệp quốc vào năm 2000, các chính phủ đã thỏa thuận mục tiêu là trước năm 2015, tất cả trẻ em đều được đi học[1]. Điều kì lạ là mục tiêu cao quý này lại không nói gì tới chất lượng học tập, toàn bộ ý tưởng chỉ là đưa trẻ em đến các lớp học được chính phủ chuẩn thuận, mà không cần biết chuyện gì xảy ra ở đấy.
Những bản báo cáo của các cơ quan của Liên hiệp quốc, tương tự như bản báo cáo Giáo dục cho tất cả mọi người (EFA), chứa đầy các ý tưởng về những biện pháp nhằm đưa trẻ đến trường: giáo dục miễn phí (thường là do những người đóng thuế ở các nước giàu tài trợ), chữa bệnh hay ăn uống miễn phí cho trẻ đi học, thậm chí là trả tiền cho cha mẹ chúng để chúng được đến trường nữa.

Nhưng những đứa trẻ dành nhiều thời gian học tập trong những ngôi trường như thế có học được nhiều hơn không? Bản báo cáo của Abdul Latif Jameel thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT) nói rằng: “Một số chương trình, từ cho uống thuốc giun đến ăn uống miễn phí, để lôi kéo trẻ em đến trường, không đưa ra được bằng chứng là trẻ em học được nhiều hơn”[2]

Và EFA cũng công nhận:
Tại hầu như tất cả các nước đang phát triển, thành tựu học tập thấp đến mức đáng kinh ngạc… Tại nhiều nước có thu nhập thấp, học sinh gần như chẳng học được gì và kết quả là vẫn mù chữ[3].
Trên thực tế, tình hình tệ đến nỗi Jameel nói rằng lĩnh vực cần phải cải thiện là “thày giáo phải có mặt thường xuyên hơn”.

Giáo dục công ở phương Tây đã và đang thoái hóa và dường như hiện nay chúng ta đang xuất khẩu món này sang phần còn lại của thế giới.

Sai lầm căn bản

Các tổ chức giáo dục quốc tế dường như đã lầm lẫn bởi điều mà Murray Rothbard, một người theo chủ nghĩa tự do trường phái Áo, gọi là: “Sai lầm căn bản … lẫn lộn giữa việc dạy học một cách hình thức và giáo dục nói chung”.

Hứa dùng trường tiểu học để dạy mọi đứa trẻ trong mọi nền văn hóa thì cũng gần như hứa cho mọi đứa trẻ trong mọi vùng khí hậu chiếc áo dài tay, có mũ chùm đầu của người dân sống ở miền Bắc cực vậy.

Trên thực tế, cho đến mãi đến thời gian gần đây, hầu như tất cả trẻ em đều học được kĩ năng sống chủ yếu là bên ngoài nhà trường, thông qua việc quan sát và tham gia vào những hoạt động cùng với người lớn[4].

Rothbard viết về nền giáo dục Mĩ như sau:
Giáo dục là quá trình học tập suốt đời, và học tập không chỉ diễn ra trong nhà trường, mà diễn ra trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Đứa trẻ được giáo dục cả khi chơi hay nghe cha mẹ hoặc bạn bè nói chuyện, cả khi đọc báo hay làm việc.
Tất cả những khoản thuốc men và bữa ăn miễn phí trong trường học do EFA đề xuất là để bù đắp cho chi phí cơ hội trong thời gian đứa trẻ đi học thay vì đi làm việc trên đồng ruộng hay trong nhà máy. Nó là khoản đóng góp về mặt kinh tế của đứa trẻ đối với gia đình. Nhưng còn đóng góp của việc lao động đối với việc giáo dục của đứa trẻ thì sao? Chi phí cơ hội của việc giáo dục thì sao?

Nếu trong nhiều trường học, học sinh chẳng học được bao nhiêu và tốt nghiệp để rồi lại mù chữ, nếu việc đi học chẳng thực sự đem lại kiến thức và nếu các giáo viên thậm chí chẳng thèm đến lớp thì có thể phụ huynh cũng như học sinh sẽ cảm thấy là họ sẽ học được nhiều hơn ở bên ngoài chứ không phải bên trong nhà trường.

Đáng tiếc là, chi phí cơ hội của việc học hành lại không được những người có lòng nhân ái trong lĩnh vực giáo dục quan tâm. Jameel nói như sau:
Quan hệ giữa việc đi học và chất lượng học tập là quan hệ phức tạp. Dường như có lí do để hi vọng rằng gia đình sẵn sàng trả những khoản như học phí, đồng phục và thu nhập bị mất để đổi lấy một nền giáo dục có chất lượng.
Và ông nói thêm:
Mọi người chưa nhất trí về việc vì sao quá nhiều trẻ em nghèo không đi học, hay biện pháp tốt nhất nhằm đưa trẻ em đến trường. Nếu lao động của trẻ em có ý nghĩa quan trọng đối với sự thịnh vượng của gia đình chúng… thì nó có thể chứng minh rằng kéo trẻ em đến trường là công việc khó khăn.
Không thấy ai nói tới việc học của trẻ em ở bên ngoài nhà trường.

Cho nên hiện nay, xin chấp nhận giả định: giáo dục chỉ diễn ra trong nhà trường. Bên ngoài nhà trường không học được gì hết.

Với giả định như thế, không chỉ đầu óc trẻ con chẳng thu được lợi ích gì khi chúng ở nhà hay vào rừng mà đa số phụ huynh trong Thế giới thứ III cũng hoàn toàn chẳng được “giáo dục” gì hết – họ chỉ là những kẻ dã man tăm tối, đầu óc mờ mịt mà thôi.

Như vậy là, đối với những nhà giáo dục đầy từ tâm, lôi những đứa trẻ ra khỏi cha mẹ chúng và đưa chúng vào trường học càng nhanh càng tốt là một công việc rất có ý nghĩa vậy, mặc dù ngay cả EFA cũng biết rằng:
Ở một số nước, hầu như bất kì khía cạnh nào trong lĩnh vực dạy học cũng đầy khiếm khuyết – cơ sở hạ tầng, tài liệu giảng dạy, số lượng và chất lượng giáo viên, không có quy trình đánh giá học sinh và không có những biện pháp khuyến khích kết quả học tập[5].
Vâng lời

Nếu trẻ em không học cách làm việc và chơi trong nền văn hóa truyền thống của chúng, nhưng trong những ngôi trường tệ hại đó chúng cũng không học đọc và làm toán được, vậy chúng đang học cái gì? Nói ngắn, vâng lời.

Khi nhà trường có quyền và hoạt động trên khắp cả nước thì trẻ em được dạy phải đồng nhất mình với những nhà nước đó. Tất cả những bài kiểm tra đều bằng ngôn ngữ chính thức của quốc gia và trẻ em phải nhớ lịch sử qua phiên bản đã được nhà nước chấp thuận.

Người ta cũng thường có những cố gắng rất lớn nhằm làm cho trường học hòa nhập với nền văn hóa khu vực, nhưng khi nhà nước trả tiền thì nhà nước cũng có quyền đặt nhạc. Và nhà nước nào cũng chỉ muốn trẻ con hát những bài tụng ca đất nước của họ thôi.

Rothbard viết:
Nhà nước muốn có một kế hoạch chi tiết nhằm ép dân chúng vào khuôn khổ. Những nhóm thiểu số cứng đầu cứng cổ bị buộc phải chui vào khuôn dành cho đa số, tất cả các công dân đều phải nhồi nhét vào đầu những thói quen tốt, trong đó luôn luôn và nhất là phải tuân phục bộ máy của nhà nước.
Có thể một số người cho rằng áp lực như thế là để cân bằng với ảnh hưởng của các cơ quan viện trợ quốc tế đang trợ giúp những trường học đó. Nhưng những tổ chức này hi vọng nhồi nhét cái gì vào đầu học sinh? Xin xem báo cáo của EFA về những lợi ích căn bản của việc học tập:
Giáo dục có vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy sự ủng hộ của quốc gia và quốc tế đối với việc quản lí đa phương, rất cần cho việc xử lí những vấn đề như tài chính, thương mại, an ninh và sự bền vững của môi trường[6].
Cũng có thể nói những đứa trẻ học ở những trường do các tổ chức quốc tế tài trợ dường như sẽ tán thành những chương trình mà các tổ chức này thực hiện. Ngay cả nếu bạn tin rằng “quản lí đa phương” là cần thiết cho lĩnh vực tài chính và thương mại..v.v.. thì khi người ta nói rằng họ được lợi từ những trường do Liên hiệp quốc tài trợ cũng có nghĩa là họ sẽ tiếp tục ủng hộ những hoạt động của Liên hiệp quốc hay không?

Cuối cùng, dù là nhà nước hay các tổ chức phi chính phủ (NGO) tài trợ, muốn thành công trong việc dạy học thì phải được các giáo viên ủng hộ. Điểm số của học sinh chính là bằng chứng về việc nó đáp ứng lòng mong đợi của thày giáo đến mức nào. Sáng kiến hiếm khi được tưởng thưởng, còn thách thức thì không bao giờ. Đấy là giai đoạn chuẩn bị tuyệt vời cho một nhà nước toàn trị, nơi cảnh sát và các quan chức đặt ra luật lệ cho tất cả mọi người, và muốn thành công thì phải tuân theo mệnh lệnh của họ.

Trong thế giới của tự do thương mại, cách kiếm lời duy nhất là làm những việc mà người khác nghĩ là không làm được. Thành công là do dám mạo hiểm, là do nhìn thấy những điều mà người khác bỏ qua, là do thuyết phục được người khác liên kết với bạn – chứ không phải là bám vào những lời nói của các cơ quan có lòng nhân từ.      

Trên thực tế, tại nhiều nước nghèo, công việc văn phòng (công việc duy nhất cần phải học) hầu như đều là công việc của chính phủ và NGO. Vì thế, những đứa trẻ thành công trong học tập cuối cùng sẽ chuyển về thủ đô và viết các báo cáo về vai trò quan trọng của việc tài trợ quốc tế cho các trường học.
Những đứa trẻ không thành công trong học tập sẽ phải trở về nhà làm ruộng hay làm trong nhà máy, sau khi đã mất một số năm học tập, mà đôi khi “chẳng học được gì”. Nhưng vì một số quan chức tin rằng bỏ mặc trẻ con trong nền văn hóa truyền thống thì chúng cũng chẳng học được gì cho nên mất mát này cũng không phải là lớn.

Để cho đầu óc thanh niên được tự do

Không nghi ngờ gì rằng một số đứa trẻ nếu được đến trường thì sẽ có lợi, nhưng chúng không thể đi học vì: chiến tranh, bị buộc phải bán dâm, nghèo túng quá mức. Những chương trình của EFA nhằm đưa nhiều trẻ em đến trường có thể có nhiều ảnh hưởng tích cực đối với đời sống của những đứa trẻ như thế.

Nhưng thay vì tìm cách dụ dỗ trẻ em đến những lớp mà chính phủ muốn dạy, các nhà giáo dục nên tập trung vào những vấn đề mà trẻ em muốn học hay cha mẹ chúng muốn đầu tư cho việc học tập của chúng.

Điều đó sẽ không xảy ra được nếu chúng ta không chặt đứt sợi giây xích nối chính phủ với công việc giáo dục. Điều đó sẽ không xảy ra được nếu chúng ta không, nói theo lời của Rothbard, “Cho trẻ em đầu của chúng” và tạo điều kiện cho chúng tìm “con đường học tập thật sự và hoàn toàn tự do, cả bên trong cũng như bên ngoài nhà trường”.

Dĩ nhiên là chất lượng của kiến thức phù hợp với trẻ em và cộng đồng có thể không phù hợp với nhà nước và những người có tinh thần quốc gia. Nhưng nếu một lúc nào đó việc giảng dạy đáp ứng được nhu cầu của họ thì người học sẽ lại tiếp tục đến trường.

Mike Reid là trưởng nhóm ở công ty có tên là Invisible Order, ngoài ra, ông còn dạy môn nhân chủng học ở đại học Winnipeg (University of Winnipeg).

Phạm Nguyên Trường dịch

-----
[1] Giáo dục tiểu học là mục tiêu số 2 của Mục tiêu phát triển thiên niên kỉ.
[2] Jameel, "Primary Education for All," Fighting Poverty: What Works, Fall 2005.
[3] Fast Track Initiative, "Learning for All: An Educational Case for Financial Replenishment of EFA FTI."
[4] Khi người ta hỏi những người thổ dân Jarawa ở quần đảo Andaman thuộc Ấn Độ là họ có muốn cho con em đi học trong trường của chính phủ hay không thì được trả lời như sau: “Các vị và con cái của các vị chỉ thích làm việc với giấy tờ thôi, nhìn anh kìa… anh nghe rồi viết. Con cái chúng tôi không cần làm như thế, chúng phải biết cách tìm và xác định vị trí các thứ ở trong rừng. Đấy là công việc! Đấy mới cần phải học!”. Xem See Vishvajit Pandya, “From Dangerous to Endangered”
[5] Fast Track Initiative, "Learning for All."
[6] Education for All Global Monitoring Report, Policy Paper 04, June 2012.

0 comments:

Đăng nhận xét