Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

"Tỷ phú tri thức" nắm vị trí quyền lực thứ 4 thế giới

Lối sống giản dị, không dùng biệt thự dành cho ngài thị trưởng của New York mà ở tại ngôi nhà cũ của mình ở Manhattan, sử dụng tàu điện ngầm để đến nơi làm việc và vẫn thường xuyên chi ra những khoản tiền lớn hàng trăm triệu USD để làm từ thiện trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật. Đó là chân dung tỷ phú Michael Bloomberg, huyền thoại sống, biểu tượng quyền năng của New York.
Vào năm 2008, tạp chí Forbes đánh giá tài sản của Bloomberg là 20 tỉ USD và ông là người giàu thứ 8 nước Mỹ. Năm 2009, do khủng hoảng kinh tế - tài chính, tài sản của ông “teo” lại còn 16 tỉ USD, nhưng vị trí thứ 8 trong top người giàu nhất nước Mỹ vẫn thuộc về Bloomberg.

Năm 2001, Bloomberg đắc cử chức Thị trưởng New York với tuyên bố nổi tiếng: “Thị trưởng New York là vị trí danh dự đứng hàng thứ tư thế giới, chỉ sau Tổng thống Mỹ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Giám đốc Ngân hàng Thế giới”.

“Người có quyền lực thứ tư thế giới” sinh năm 1942, tại Boston (Mỹ) trong một gia đình Do Thái di cư, có người bố là kế toán và mẹ làm nghề thư ký. Các bạn thuở thiếu thời đều nói Michael là người siêng năng và có ý chí. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Michael nhập học tại Đại học tổng hợp Johns Hopkins, chuyên nghiên cứu về vật lý và ngành kỹ sư công trình. Các kiến thức về kinh tế được chàng trai trẻ thu nhận sau khi lấy bằng quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard.

Công việc đầu tiên khi bước vào kinh doanh của Michael khá khiêm tốn: Thư ký trong hãng đầu tư Salomon Brothers với mức lương 9.500 USD/năm. Sự cần mẫn trong lao động của Michael được các ông chủ ghi nhận. Sau vài năm, viên thư ký cần mẫn được thăng làm lãnh đạo Ban tiền tệ và trở thành một trong số 75 cổ đông, đồng sở hữu Salomon Brothers. Vào năm 1979, Michael được giao nhiệm vụ hoàn toàn mới là thành lập và phát triển hệ thống "thông tin tri thức" của hãng.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực của nhà tỉ phú tương lai đều trở thành công dã tràng. Hai năm sau đó, vào năm 1981, ngay sau khi Salomon Brothers sát nhập với Tập đoàn Phibro, cho dù phần lớn nhân viên được mời ở lại tiếp tục làm việc, nhưng Michael lại không được nhớ đến. Người ta đồn rằng, Michael bị sa thải bởi lãnh đạo mới cảm thấy sợ người đứng đầu bộ phận "thông tin tri thức" của hãng. Toàn bộ cổ phiếu của mình tại Salomon Brothers, Michael bán được 10 triệu USD. Việc đầu tiên là ông mua cho vợ chiếc áo bành tô. Sau đó quyết định thành lập hãng riêng để không ai có thể sa thải được mình.

Từ khi còn được giao phát triển hệ thống thông tin của hãng Salomon Brothers, Michael đã nghĩ tới thành lập một hệ thống "thông tin tri thức thống nhất" dành cho những người chuyên nghiệp tại thị trường chứng khoán. Michael thuê một văn phòng khiêm tốn tại Manhattan, New York và nhận được sự đảm bảo của tập đoàn tài chính lớn - Merrill Lunch, sẽ mua sản phẩm tương lai do hãng của ông làm ra. Michael hăng hái lao vào công việc và chỉ nửa năm sau những bộ terminal (thiết bị vi tính đầu - cuối) gắn mác “Bloomberg” của máy vi tính đã ra đời.

Các bộ terminal “Bloomberg” tương tự như thiết bị trò chơi điện tử. Nó có một bàn phím khá đặc biệt với những phím màu vàng (ngoài các phím đề chữ cái, còn có phím để phân biệt các loại cổ phiếu, tín phiếu…). Khi ấn các phím này, trên màn hình máy vi tính sẽ hiển thị những thông tin cần thiết.

Kinh doanh phát đạt, vào những năm đầu của thế kỷ 21, giá thuê bao terminal là hơn 1.500 USD/tháng và hãng Bloomberg không thiếu khách hàng thuê thiết bị này. Tại nhiều quốc gia khi đó có hơn 160 ngàn terminal và số lượng người sử dụng tăng bình quân từ 15 - 20% năm.

Giờ đây khách hàng không chỉ là các tập đoàn, các hãng lớn trên thế giới, ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia mà cả các cơ quan chính phủ nữa. Thậm chí thiết bị “Bloomberg” còn được lắp đặt tại Vatican. Dịch vụ này giờ đây có thể kết nối với máy tính cá nhân thông thường nhờ có một phần mềm chuyên dụng. Hiện Tập đoàn Bloomberg LP có chi nhánh tại khoảng 130 quốc gia với đội ngũ nhân viên gần 10 ngàn người.

Trong hơn 20 năm qua, Michael Bloomberg đã trở thành huyền thoại sống, là một trong những biểu tượng kinh doanh thành đạt nhất của New York. Cũng chính vì điều đó, mà khi ra tranh cử chức thị trưởng của thành phố này, Michael đã dễ dàng đánh bại các đối thủ.

Thành phố New York sau sự kiện 11.9.2001, nhanh chóng hồi phục dưới sự lãnh đạo tài tình của Michael, giữ vững vị thế trung tâm kinh tế lớn của thế giới. Chẳng thế mà trong 2 nhiệm kỳ sau đó (2005 và 2009) ông vẫn tiếp tục được tín nhiệm và tiếp tục giữ cương vị “Người danh giá thứ tư thế giới”.

0 comments:

Đăng nhận xét