Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Muốn làm ăn tốt, doanh nghiệp cần làm đẹp lòng chính quyền

Pháp luật kinh doanh Việt Nam có nhiều chỗ không nói cho cụ thể, rõ ràng, nếu các quan chức có thiện cảm với doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ có được một quyết định, một cách giải quyết có lợi hơn.
Đối với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, người lãnh đạo có thể đồng thời là người quản lý doanh nghiệp. Nhưng ở các doanh nghiệp lớn thì hai vai trò này thường phải tách bạch.

Cha đẻ của quản trị kinh doanh hiện đại Peter Ferdinand Drucker có câu nói nổi tiếng "Management is doing things right; leadership is doing the right things" (Quản lý là làm những công việc thật tốt, lãnh đạo là xác định đúng công việc cần làm).

Nếu những người quản lý phải có sự linh hoạt, tính kiên định và khả năng làm việc hiệu quả thì những nhà lãnh đạo cần có tầm nhìn, khả năng thúc đẩy và truyền cảm hứng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, nếu muốn phát triển thành công, lãnh đạo doanh nghiệp lớn còn có cần có quan hệ với chính quyền, cần biết cách vận động hành lang để đảm bảo có được những chính sách, quyết định có lợi cho doanh nghiệp mình trong khuôn khổ pháp luật.

Ở đây, vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp là rất quan trọng: chính lãnh đạo cao cấp nhất của doanh nghiệp phải "nhúng tay" vào, đảm nhận việc xây dựng những mối quan hệ và giao dịch thương lượng với Chính phủ, các cấp chính quyền.

Đồng thời, Chính phủ, các cấp chính quyền cũng thích làm việc trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn vì lý do "thể diện" - phải vậy mới đúng tầm và vì lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp sẽ có thể đưa ra ngay những quyết định, đáp ứng ngay những yêu cầu, giải quyết ngay những quyền lợi của các bên liên quan.

Kinh nghiệm của các doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc được đưa ra trong cuốn  sách "CEO ở Trung Quốc" của Juan Antonio Fernadez và Lauria Underwood cho thấy, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn dành đến 30-40% thời gian của mình để làm việc với Chính phủ và các cơ quan công quyền.

Steve Schneider - Tổng giám đốc General Electric China - thậm chí dành tới 65% thời gian để làm việc với các quan chức nhà nước - bao gồm các quan chức chính quyền và lãnh đạo được bổ nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có ít nhất 10% thời gian, để xây dựng những mối quan hệ, để phát triển những nền tảng để có thể tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.

Tại sao phải có quan hệ với chính quyền?

Sự thay đổi về chính sách, pháp luật chỉ tác động phần nào đến các doanh nghiệp nhỏ bởi các doanh nghiệp này tương đối linh hoạt, nếu có trở ngại gì về phía chính quyền thì có thể dễ dàng chuyển hướng. Đúng như câu nói "thuyền to sóng cả", những thay đổi vĩ mô có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí là ảnh hưởng sống còn đối với các doanh nghiệp lớn.

Bởi vậy, lãnh đạo doanh nghiệp lớn không thể ngồi yên đợi chính sách từ phía chính quyền dội xuống mà phải chủ động tham gia, tác động vào quá trình hình thành chính sách.

Ở Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn truyền tụng với nhau câu nói: "Một mình thì không ai có thể ký duyệt một dự án, nhưng bất cứ ai, một mình, cũng có thể cản trở nó". Lãnh đạo doanh nghiệp lớn cần có quan hệ với các quan chức ở các cấp chính quyền khác nhau để đảm bảo rằng họ hiểu được dự án của doanh nghiệp và tin vào tính khả thi của nó.

Mối quan hệ với chính quyền được nhìn nhận như một bàn đạp lợi thế trong cuộc chạy đua cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn trên cùng thị trường liên quan. Bởi vậy, lãnh đạo doanh nghiệp lớn nên dành một lượng thời gian làm việc đáng kể để tập trung vào việc xây dựng, duy trì và củng cố quan hệ tích cực với các cấp quyền - từ Chính phủ cho tới chính quyền địa phương.

Lãnh đạo các doanh nghiệp lớn có thể thấy môi trường kinh doanh theo hình mẫu phương Tây chủ yếu dựa trên nguyên lý chấp nhận rủi ro - đánh giá rủi ro của doanh nghiệp. Trong khi mô hình tác động vào môi trường kinh doanh của các nước như Việt Nam, Trung Quốc chủ yếu hướng đến thiết lập hệ thống kiểm soát.

Điều đáng mừng là trước đây, chính quyền thường chỉ quan tâm đến việc phải đảm bảo cho doanh nghiệp  luôn hoạt động theo những quy định của họ để đảm bảo sự kiểm soát thì nay họ cố hết sức mình để điều chỉnh những quy định của họ đáp ứng với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Chính quyền đang có thiện chí hỗ trợ và thực hiện một vai trò khác trước. Chính quyền rất ủng hộ và sẵn lòng hợp tác để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, sẵn sàng cung cấp những gì họ có.

Các quan chức chính quyền địa phương luôn thể hiện thái độ rất thân thiện, gần gũi  với các doanh nghiệp,  thậm chí nhiều khi đã hứa hẹn quá tầm mức của họ để họ có thể giành được những dự án về địa phương mình.

Một trong những lý do giải thích tại sao ở Việt Nam các mối quan hệ có một vai trò hết sức quan trọng là các quy định pháp luật kinh doanh của Việt Nam thường còn khá chung chung, tạo điều kiện cho quan chức tùy nghi giải thích theo ý chí cá nhân. Pháp luật kinh doanh Việt Nam có nhiều chỗ không nói cho cụ thể, rõ ràng, nếu các quan chức có thiện cảm với doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ có được một quyết định, một cách giải quyết có lợi hơn.
Nhiều DN đã "đi đêm" với chính quyền để có những quyết định, thông tư có lợi cho mình.

Ví dụ về việc mối quan hệ có một vai trò "siêu quan trọng" ở Việt Nam là chuyện một doanh nghiệp không có mối quan hệ tốt với các cơ quan công quyền có thể phải mất sáu tháng để xin giấy phép, trong khi một doanh nghiệp khác có quan hệ tốt có thể chỉ mất có hai tuần.

Để cái bắt tay chặt hơn

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các doanh nghiệp lớn Trung Quốc, qua trao  đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp lớn Việt Nam và thực tế hoạt động, có thể  đưa ra một số gợi ý về xây dựng quan hệ doanh nghiệp - chính quyền như sau:

Thứ nhất, chính lãnh đạo doanh nghiệp phải nhận thức được tầm quan trọng của quan hệ với các cấp chính quyền và trực tiếp thực hiện việc xây dựng, phát triển mối quan hệ ấy.

Điều cần lưu ý ở đây là lãnh đạo doanh nghiệp lớn đồng thời cũng phải luôn cẩn trọng để đảm bảo bản thân mình và các nhân viên của mình tuân thủ luật pháp trong quan hệ với các quan chức chính quyền, tuân thủ những quy tắc hành xử trong giới doanh nghiệp.

Chính Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp lớn phải đích thân tham dự những cuộc họp hoặc sự kiện quan trọng với chính quyền các cấp mà doanh nghiệp đang có quan hệ để thể hiện một thiện chí và sự "nể mặt" đối với các quan chức. Có doanh nghiệp lớn đã tìm cách để có được những người lãnh đạo, điều hành cao cấp là những người đã từng có nhiều quan hệ với các quan chức và cơ quan công quyền, chẳng hạn những quan chức  cấp cao đã nghỉ việc để dễ có được tiếng nói chung.

Cá biệt, có doanh nghiệp thuê dịch vụ của những chuyên gia tư vấn đặc biệt hứa hẹn tạo điều kiện tiếp cận và quan hệ với chính quyền, tuy nhiên dịch vụ này ở Việt Nam là không phổ biến và tương đối nhạy cảm. (Ở nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ có những công ty làm dịch vụ vận động hành lang và hoạt động này đã được công nhân và đã có khung pháp lý điều chỉnh).

Tuy nhiên, dù có qua dịch vụ tư vấn, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn phải trực tiếp ra mặt để thể hiện sự tôn trọng cần thiết.

Thứ hai, lãnh đạo doanh nghiệp lớn cần thông hiểu lối suy nghĩ của chính quyền. Những cuộc thương thảo thành công với các cơ quan công quyền tùy thuộc nhiều vào chuyện thấu hiểu những tâm tư của đại diện chính quyền như thế nào.

Hiểu biết và ý tứ nhạy cảm với những áp lực và thách thức mà các cơ quan công quyền, hoặc thậm chí từng cá nhân các quan chức đang phải đối mặt, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giảm thiểu những vấn đề rắc rối tiềm ẩn.

Chuyên gia Gordon Orr của McKinsey & Company đưa ra lời khuyên với các thân chủ là hãy xem xét tầm quan trọng của dự án của doanh nghiệp từ góc độ của chính quyền. Một bí quyết để thương lượng thành công, đặc biệt là với các quan chức chính quyền địa phương, là phải nhận ra vai trò của mình trong cộng đồng.

Ông cũng chỉ ra rằng nếu doanh nghiệp là công ty  đầu tư nhiều nhất  hay đóng thuế nhiều nhất tỉnh thì doanh nghiệp có thể hy vọng được chính quyền chú ý ủng hộ hơn.

Thứ ba, lãnh đạo doanh nghiệp lớn cần chú ý đến việc có được sự hỗ trợ của tất cả các cấp chính quyền, gây dựng mối quan hệ với các cơ quan chính quyền ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương. Bí quyết để thương thảo thành công với chính quyền là có được ủng hộ ở mọi cấp, là lãnh đạo doanh nghiệp cần phải quyết thục cho mọi người tin, từng bước một, từng cấp một.

Lãnh đạo doanh nghiệp lớn cần tìm hiểu, có thông tin về tất cả các quan chức có ảnh hưởng đến những quyết định liên quan đến công ty. Để có được sự phê duyệt, chấp thuận của các cơ quan chính quyền, lãnh đạo doanh nghiệp phải nói chuyện được với tất cả những cơ quan phụ trách - và cả những cơ quan không phụ trách lĩnh vực ấy nhưng ít nhiều có liên hệ. Bởi có những quan chức không giúp được gì được cho doanh nghiệp nhưng họ có thể làm chậm công việc của doanh nghiệp.

Lãnh đạo doanh nghiệp cần đảm bảo rằng tất cả các bên hữu quan đều được thông báo đầy đủ về những dự án, mong muốn của doanh nghiệp, làm cho họ cảm thấy họ được tôn trọng. Tất cả những điều này sẽ hỗ trợ rất tốt cho những giai đoạn về sau.

0 comments:

Đăng nhận xét