Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Người tự trọng

Một thí nghiệm trong ngành behavioral economics mang tên “ultimatum game” (trò chơi Tối hậu thư) rút ra kết luận khá độc đáo về bản chất con người ta.

Mà không phải chỉ bản chất con người Âu Mỹ không thôi. Thí nghiệm này đã được lập lại ở khắp 5 châu, trong đó có cả với người sắc tộc thiểu số ở miền núi Peru, và đều có kết quả đại khái như nhau cả.

Thí nghiệm này do Werner Güth, Rolf Schmittberger và Bernd Schwarze nghĩ ra và thực hiện lần đầu tiên năm 1982. (GS Güth lúc đó dạy đại học University of Cologne, và hiện làm việc tại Max Planck Institute.)

Trò chơi này chơi như sau:

Tôi tặng Bạn A và Bạn B số tiền 7 DM (tiền Tây Đức thời chưa có Euro). Một DM cao giá hơn 1 USD. Mà tớ đưa tiền thật đấy nhá, không phải chỉ đưa tiền giả theo lý thuyết.

Dưng mà thôi mình dùng ký hiệu $ thay vì DM, cho nó đỡ … đọc nhầm chữ!

Bạn A lấy số tiền $7 này, Bạn A chia cho mình và cho Bạn B. Bạn A chia thế nào cũng được: mỗi người $3.50, hay Bạn A lấy $5 và Bạn B lấy $2, hay Bạn A lấy $6.99 còn Bạn B lấy $0.01. Sao cũng được

(Bạn A với Bạn B không quen nhau. Bạn A không thấy mặt Bạn B và Bạn B không thấy mặt Bạn A.)

Vấn đề là, nếu Bạn B chê không lấy, là tôi thu hồi lại $7. Cả hai đều mất hết.

Thí dụ nhá:

Tôi đưa $7. Bạn A chia cho mình $5 và chia cho Bạn B $2. Bạn B đồng ý. Thế là Bạn A bỏ túi $5, Bạn B bỏ túi $2, cả hai đi về với tiền trong túi.

Tôi đưa $7. Bạn A chia cho mình $5 và chia cho Bạn B $2. Nhưng Bạn B không đồng ý. Thế là tôi thu hồi lại $7, chào hai bạn nhé, hai người về nhà tay không.

Vậy đó.

Vậy thử hỏi hai người chia như thế nào?

Có còn hơn không,
có còn hơn không
Kinh tế cổ điển

Theo mô hình kinh tế cổ điển, Bạn A và Bạn B đều muốn có kết quả tối ưu cho mình. Mà cụ thể là gì thì gì chứ chả ai muốn về tay không.
Cho nên nếu Bạn A có chia cho Bạn B chỉ 0.01, thì Bạn B cũng nên nhận đi mà cầm về, có còn hơn không, phỏng ạ?
Mà nếu đã vậy thì Bạn A dại gì mà chia nhiều cho Bạn B phải không? Cho nên chắc chắn Bạn A sẽ chia cho mình $6.99 và để lại cho Bạn B $0.01.
Mình biết mình bắt chẹt được, thì ngu gì không bắt chẹt nhở?

Thí nghiệm

Thế mà lúc GS Güth đem ra thí nghiệm, thì không phải như vậy. Mặc dù đối tượng không quen biết gì nhau, nhưng lúc bảo, chia đi, thì người ta chỉ chia phần nhiều về mình có chút chút thôi.

Quá nửa số “Bạn A” để lại cho “Bạn B” trên 30% số tiền.

Và ngược lại, khi số tiền để lại quá nhỏ, thì “Bạn B” không chịu lấy, thà về tay không còn hơn. Trong số 40 người, có tới 7 “Bạn B” chê tiền.

Các thí nghiệm khác

Ban đầu, nhiều người nghi ngờ kết quả này. Nhưng sau khi nhiều người làm thí nghiệm thì họ cho rằng kết quả này đúng thật. Tới nay, hầu hết mọi người đều chấp nhận kết quả của Güth và trò chơi ultimatum game.

Người ta cũng thử nghiệm ở các nước khác, tới nay cũng cả hơn trăm lần, dưới nhiều dạng khác nhau. Kết quả, về con số cụ thể, có xê dịch chút đỉnh. Ở Peru chẳng hạn, “Bạn A” nhường lại cho “Bạn B” trung bình có 26%.

Ở Mông Cổ, nghiên cứu với người du mục sắc tộc Mông Cổ, sắc tộc Tazakh, và sắc tộc Torguuds, thì Bạn A nhường Bạn B 35.5%. Ở Tanzania châu Phi, Bạn A nhường Bạn B 37.5%. Ở xứ Hồi Giáo Indonesia, Bạn A nhường Bạn B 46.6%.

Ở Paraguay, Bạn A chắc sợ bị mất trắng sao đó, nhường phần nhiều cho Bạn B, trung bình 51%
.
Nói chung, Bạn A nhường cho Bạn B hơi bị nhiều. Rất nhiều, so với tiên đoán của kinh tế học cổ điển là chèn nó được thì chèn.

Mà Bạn B cũng khó lắm cơ. Không phải bao nhiêu cũng nhận đâu. Ở Pháp, có tới 31% Bạn B chê phần chia, không chịu lấy. Ở Tanzania, 19% chê..

Thí nghiệm nhiều vòng

Có phải vì các Bạn A tử tế, nên mới nhường khá nhiều phần cho Bạn B? Có phải vì các Bạn A chủ động muốn công bằng? Một số thí nghiệm khác thử giả thiết này. Những thí nghiệm này dùng nhiều vòng. Không phải Bạn B chê xong là bỏ, hay nhận xong là lấy tiền, mà là sau khi chê hay nhận gì thì tiếp tục qua vòng thứ nhì chơi tiếp.

Những thí nghiệm này cho thấy Bạn A tử tế không phải vì bạn ấy muốn tử tế, mà vì bạn í sợ bị Bạn B chê, là mất trắng.

Tức là, không hẳn muốn chèn được là chèn đâu, mà phải biết sợ dồn nó vào chân tường thì nó cắn lại.
Như ở Paraguay, Bạn A sợ bị mất trắng nên nhường tới 51% cho Bạn B.

Vậy thì đã sao?

Ừ thì phần bạn A thì hiểu rồi. Nhưng tại sao lại có chuyện Bạn B chê? Tại sao chọn lựa giữa không đồng nào và một số tiền nhỏ, Bạn B lại chọn $0?

Bạn A cũng là người, Bạn B cũng là người. Vai trò “Bạn A” hay “Bạn B” là hoàn toàn ngẫu nhiên cơ mà.
Vậy tại sao Bạn A sợ mất trắng nên nhường số tiền đáng kể (trên 30%), trong khi Bạn B lại có gan từ chối những số tiền nhỏ (dưới 25%) không chịu lấy, thà mất trắng còn hơn?

Khá nhiều nhà khoa học đã làm thí nghiệm với ultimatum game, trong đó ngoài các nhà kinh tế còn có các nhà tâm lý học, các nhà xã hội học, v.v. , với nhiều biến tấu khác nhau để thử nghiệm điều này. Và kết luận họ rút ra là:

Người ta, các Bạn B ấy, vốn tự trọng. Đâu đó trong con người ta (tạm gọi nó là lương tâm hay gì gì đó) người ta hiểu thế nào là công bằng. Người ta có thể không có một nền triết học sâu xa, nhưng đã là người, thì người ta có cái phản xạ tự nhiên về thế nào là công bằng và thế nào là bất công. Và người ta không thích cái bất công. Người ta ghét bị xử ép.

Vì người ta tự trọng.

Và khi bị chèn ép quá, người ta thà mất tất cả, còn hơn là bị áp bức mãi.

Vũ Quý Hạo Nhiên.

0 comments:

Đăng nhận xét