Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Có thể thành công nếu thiếu khát khao và đam mê?

Arvind Rao- đồng sáng lập OnMobile,
đã quyết định từ bỏ công việc "ngon lành"
để tự làm ông chủ. (Ảnh: BBC)

Arvind Rao - nhà sáng lập OnMobile tin rằng, luôn có hai động lực chính thúc đẩy mọi doanh nhân, đó là sự khát khao và đam mê mãnh liệt.
Thực tế thì, đây cũng chính là động lực giúp ông có đủ dũng cảm từ bỏ công việc "ngon lành" trong lĩnh vực dịch vụ tài chính lúc đó để chuyển sang tự mình phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động. Cho đến nay, công ty 11 năm tuổi của công đã cho ra đời hàng loạt các tiện ích di động như nhạc chuông, hình nền và các ứng dụng di động khác.

Ông nói rằng, ông có thôi thúc trở thành doanh nhân khi cuộc sống trở nên quá phẳng lặng: "Cũng không cần thiết phải bỏ việc để tự chuốc lấy những nguy cơ lớn đối với cuộc sống và sự nghiệp. Nhưng có một điều gì đó rất mạnh mẽ cứ thôi thúc tôi phải từ bỏ để làm việc cho chính bản thân mình".

Bản năng

Theo Arvind Rao, có một điều mà sẽ không trường kinh doanh nào có thể dạy bạn: "Bạn phải lắng nghe con tim...phần lớn là dựa vào trực giác. Tôi đã lấy được tấm bằng MBA của một trường danh tiếng ở Mỹ, nhưng tôi trở thành doanh nhân thành đạt không phải nhờ vào tấm bằng này".

Ông tin rằng, tinh thần dám nghĩ dám làm chính là khả năng phát hiện những cơ hội từ trong thất bại. Ban đầu ông thử giới thiệu các dịch vụ của OnMobile ở Mỹ nhưng bị từ chối vì "không ai muốn trở thành khách hàng đầu tiên để rồi thất bại". Nhưng ông không chịu từ bỏ, thay vào đó ông tìm đến các nhà khai thác điện thoại ở Ấn Độ để trình bày ý tưởng của mình. Hóa ra họ lại đồng cảm hơn. "Họ thực sự đã tạo đà cho chúng tôi phát triển. Khi chúng tôi đã có khách hàng đầu tiên thì sẽ có khách hàng thứ hai. Sau đó sẽ dễ dàng như là "cưỡi trên sóng vậy", ông kể.

"Cưỡi hổ"

Arvind Rao tự thấy mình rất may mắn khi bắt đầu kinh doanh vào đúng thời điểm ngành điện thoại di động bùng nổ mạnh mẽ ở Ấn Độ. Lúc đó chỉ có khoảng 15 triệu thuê bao, nhưng hiện tại con số đã tăng lên khoảng 600 triệu thuê bao. "Điều này giống như cưỡi lên một con hổ vậy", ông ví von.
Mới bước qua năm thứ 10 hoạt động mà công ty của ông đã tuyển dụng 1.200 nhân viên và có văn phòng ở rất nhiều nơi như Paris, Luân Đôn, Mỹ và Nam Mỹ.

Tuy nhiên, ông chủ lại không đánh giá thành công dựa vào quy mô của công ty: "Sự thành công này chỉ là tình cờ hoặc may mắn. Doanh nhân có đam mê về sản phẩm họ cung cấp cho khách hàng chứ không phải đam mê xây dựng một doanh nghiệp to lớn".

Đổi mới

Theo ông Rao, chính niềm đam mê và động lực bền bỉ này đã làm cháy bỏng trái tim của doanh nhân và đảm bảo sự tồn tại lâu dài của công ty. "Chúng tôi không bao giờ lên kế hoạch cho lợi nhuận mà chỉ lên kế hoạch cho sản phẩm và cải tiến sản phẩm, bởi lẽ nếu làm hai công việc đó tốt thì chắc chắn lợi nhuận thu về sẽ rất cao", ông cho biết.

Việc tìm tòi những ý tưởng mới cũng rất cần thiết, vì chỉ cần bạn sáng tạo ra những sản phẩm mới, khách hàng sẽ chấp nhận, sẽ sử dụng và bạn sẽ kiếm được tiền. Đây chính là mô hình kinh doanh mà ông luôn hướng công ty đi theo: "Chúng tôi tạo ra khoảng 10-12 sản phẩm mới mỗi năm", ông tiết lộ. Mọi nhân viên đều được khuyến khích đổi mới, ngay cả với ông chủ.

Đối với Arvind Rao, điện thoại di động là một thiết bị vô cùng hữu ích, thỏa mãn nhu cầu giao tiếp bằng lời nói mà không cần gặp mặt trực tiếp. Ông tin rằng, với vai trò ngày càng tăng của điện thoại di động đối với cuộc sống con người, các dịch vụ giá trị gia tăng cho di động sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn.

Tiềm năng và viễn cảnh toàn cầu.

Dù trụ sở công ty ở Bangalore nhưng Arvind Rao luôn nỗ lực tìm mọi cách để quản lý công ty đa quốc gia của mình. Sống ở Mumbai  nhưng ông thường có nhiều chuyến công tác ngắn ngày tới các thành phố như Luân Đôn, Tokyo và Johannesburg. Việc này mang lại hiệu quả rất lớn, vì có những việc lẽ ra phải mất vài tháng nhưng ông đã có thể hoàn thành trong chỉ một tuần.

OnMobile đã tăng trưởng nhanh chóng
cùng với sự phát triển của ngành di động ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận có những vấn đề cố hữu khi công ty mở rộng quy mô ra toàn cầu. Thời gian quay vòng, sự nhanh nhạy cũng như tính linh hoạt của công ty sẽ bị hạn chế nhiều bởi chính quy mô ngày càng lớn đó. Ông cho biết, trong một năm ruỡi qua, công ty đã mở 15 văn phòng ở châu Mỹ Latinh nhưng ông thậm chí còn chưa đặt chân tới đó.

Vậy nhưng ông vẫn rất lạc quan, tin rằng lợi ích từ vị trí địa lý của công ty còn lớn hơn những rủi ro có thể gặp phải. Ông nói: "Do chúng tôi có trụ sở ở Ấn Độ nên có lợi thế hơn về giá cả khi cạnh tranh ở Mỹ, Mỹ Latinh, vương quốc Anh hay châu Âu.
Tinh thần Ấn Độ

Ông Arvind Rao cũng thú nhận đã phải vật lộn rất nhiều khi lần đầu tiên chuyển công ty về kinh doanh tại Ấn Độ. Cả đời làm việc ở Mỹ nên ông thấy rất khó thích ứng với những kỳ vọng của các nhà quản lý ở nơi đây.

Ông cho biết: "Họ thiên nhiều về cảm xúc nên bạn phải dành nhiều thời gian trò chuyện với nhân viên hơn, thăm hỏi gia đình họ, giao lưu và dùng bữa với họ. Đây là một khó khăn, thậm chí đến bây giờ tôi vẫn đang phải cố gắng để hiểu tâm lý của người Ấn Độ để có thể hợp tác suôn sẻ". Đó là một cam kết cá nhân mà không cần thiết phải có khi ở Mỹ.

Nhưng vị CEO này cũng tuyên bố đó là một trong số những lý do ông dấn thân vào con đường kinh doanh. Ông nói: "Nếu bạn không thử thì bạn sẽ không thể biết được mình có khả năng hay không có khả năng gì". Đây là triết lý ông hay dùng để khuyến khích những doanh nhân đầy hoài bão khác khi họ tìm thấy khát khao và đam mê.

Sẽ có những "bãi mìn" cản trở, nhưng mình cứ cố gắng vượt qua thì cuối cùng cũng được đền bù xứng đáng.
Liệu ông đã bao giờ bị khủng hoảng niềm tin? Tất nhiên là có rồi, nhưng ông chưa bao giờ đi chệch hướng mà sẽ nhanh chóng quay trở lại với những khát khao và đam mê của bản thân.

LƠ NGUYỄN (THEO BBC).

0 comments:

Đăng nhận xét