Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Thư nước Mỹ...

I.  Washington D.C Tết Quý Tỵ. Anh chị thân mến!

Bên này hóa ra Tết nhất mọi người đi chơi còn nhiều hơn ở nhà nên mãi mới ngồi được vào bàn viết như đã hứa với anh chị từ trước Tết.

Múa lân tại Trung tâm Eden ngày mùng 1 Tết Quý Tỵ.
Tôi dường như vẫn ngửi thấy mùi Tết đâu đó quyện vào quần áo sau hơn một tuần đi chơi Tết trên đất Mỹ. Mùi của bánh chưng với giò chả không thấy. Mùi của pháo nổ thì nhiều.

Người châu Á quả là chưa bao giờ từ bỏ sở thích đốt pháo, thật nhiều pháo, và dường như còn lấy tiếng pháo thay tiếng nói. Người Việt ở D.C đốt pháo mù trời trưa mùng 1 ở Trung tâm thương mại Eden. Chỉ vài tiếng sau, cách đó chừng ba mươi phút chạy xe, người Trung Quốc đốt những quả pháo khổng lồ ngay trên phố có cái cổng chào mang tính biểu tượng của phố Tàu (China Town), cách nhà Quốc hội Mỹ non cây số.

Lễ hội mừng Tết con rắn của người Việt mang tính nội bộ cộng đồng nhiều hơn. Tức là người Việt tổ chức cho người Việt chơi, và người Việt trình diễn văn hóa truyền thống cho người Việt xem. Còn người gốc Trung Quốc trình diễn trên phố, thu hút khoảng 50 ngàn người tới xem, trong khi dân số ở khu vực hành chính như Washington D.C chỉ có hơn 600 ngàn (xem ra chỉ có đúng hai sự kiện, một là lễ nhậm chức tổng thống của ông Obama thu hút khoảng 800 ngàn người và lễ hội hoa anh đào hàng năm đón 1,5 triệu lượt du khách, là hơn về sự đông đảo). Nhìn cảnh gia đình người Mỹ bản địa da trắng, da màu và gốc Mỹ Latin hồ hởi đứng hai bên đường ở phố Tàu theo dõi, có cảm giác họ như ăn cái Tết thứ hai trong năm cùng nhiều người gốc Á khác.

Tôi hỏi vài người Mỹ bản địa họ đều trả lời, họ chọn nơi nào nhiều lễ lắm hội, không kể là múa lân, múa rồng và những bài quyền thiếu lâm với kungfu là mang tính cổ truyền hay những cóp nhặt kiểu lễ hội Carnival của người châu Mỹ và phương Tây. Còn chuyện xen lẫn chính trị, kinh tế thì xin kiếu.

Nhưng để ý thấy cái cây bán báo tự động (nhét tiền xu) ở góc phố Tàu nằm chơ lơ mà chồng China Daily phiên bản tiếng Anh ở Mỹ như còn nguyên vẹn. Cách đây nửa năm, tờ báo này được phát miễn phí ở nhiều thành phố lớn ở Mỹ nhưng nhiều người không nhận. Nay bán với giá hơn 1 đô nên ế là đương nhiên. Người Trung Quốc muốn đưa nhiều thứ tới Mỹ trong vài năm gần đây mà chưa thành công. Một trong những cái biển quảng cáo cao nhất ở Quảng trường Thời đại (Times Square) ở New York, nơi chỉ có những thương hiệu hàng đầu, vẫn liên tục chạy dòng chữ tiếng Trung, trong đó có Hãng thông tấn Tân hoa.

Cũng ở thành phố lớn nhất nước Mỹ này, từ năm ngoái có kênh truyền hình Trung Quốc chiếu 24/24 tới thẳng phòng ngủ của gần chục triệu dân New York mang tên TodayChina. Và CCTV cho ra đời CCTV America với các chương trình phát sóng từ Washington D.C. Đánh giá của giới chuyên gia gần đây cho thấy nó chưa quyến rũ được người Mỹ.

Xem ra người nhập cư vào nước Mỹ nếu chỉ mang đến trí tuệ, văn hóa, ẩm thực hay kể cả ngôn ngữ đều được đón nhận nhiệt liệt, như chuyện vịt quay Bắc Kinh hay phở Việt ở Mỹ quán nào cũng đông nườm nượp. Còn những cái khác thì phải xét.

II. Rượu bia ngày tết


Người Việt Nam ở Mỹ là 1,7 triệu người, nhưng tôi để ý trong dịp Tết Quý Tỵ này không thấy báo chí của Mỹ cũng như của người Việt ở đây đưa tin về chuyện lái xe trong tình trạng say rượu. Không phải là người Việt ở Mỹ không uống rượu và cũng không phải là Tết thì họ không quây quần gia đình, bạn bè cụng ly đón năm mới. Vấn đề là nhập gia thì tùy tục.

Nước Mỹ nếu chỉ qua tưởng tượng hoặc phim ảnh, thường được cho là xứ sở của tự do thì chuyện nhậu nhẹt có lẽ cũng chẳng có nhiều cấm đoán. Nhưng nghĩ như thế là bé cái nhầm đấy. Tôi từng có lần kể chuyện ông Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Mỹ trong năm ngoái phải từ chức sau một đêm ngồi trong trại giam chỉ bởi ông ấy lái xe đi vào đường cấm trong tình trạng có hơi men.

Còn vô vàn những ví dụ khác nữa. Một thanh niên ở Virginia Beach, McCall, 38 tuổi, mới đây vừa lĩnh án tù 5 năm cho tội vi phạm luật uống rượu lái xe lần thứ tư trong vòng chưa tới 10 năm. Ở Westminster, thuộc quận Cam, California, luật sửa đổi có thể khiến cho người lái xe trong tình trạng uống rượu quá mức phải trả tổng các khoản tiền phạt lẫn tiền bảo hiểm tăng từ mức 1.500 USD lên tới 12.000 USD.  

Một nhà hàng Việt Nam ở thành phố du lịch Tampa  Florida tôi từng ghé qua, dù bán đủ các món nhậu ba miền nhưng không có lấy một chai bia. Chủ quán nói giọng Huế giải thích rằng chị nỗ lực xin giấy phép bán bia trong suốt 10 năm mở cửa hàng ở đây, nhưng đều thất bại, bởi một lý do rất đơn giản: Nhà hàng cách trường trung học chỉ vài trăm mét. New York có “luật 200 foot”, tức không ai được phép bán rượu bia trên cùng phố và trong khoảng 60 mét tính từ trường học hay nhà thờ.

Các công viên hay cánh rừng ở Mỹ nằm xen kẽ trong thành phố, nơi đôi khi có những con suối thơ mộng chảy qua thường có chỗ để mọi người tới làm các món đồ nướng, nhưng rượu bia là những thứ bị cấm một cách tuyệt đối. Không thể có chuyện ra đó nướng thịt rồi nhậu nhẹt tưng bừng.

Ở Washington D.C có khoảng hơn 100 sân tennis, đa phần nằm trong các công viên, nhưng luật không cho phép mang đồ uống có cồn ra nơi công cộng. Tôi đã từng chứng kiến cảnh sát tới lập biên bản một nhóm người mang bia theo để giải khát sau một trận tennis đổ mồ hôi vào mùa Hè. Ngay cả việc cầm một chai bia hay rượu đi trên phố cũng không phải là điều dễ dàng nếu như chai đó không còn nguyên nút.  

Ở nhiều siêu thị, bia rượu không được bán sau 10 giờ tối.

Từ năm 1988, 50 bang và đặc khu hành chính Washingtưn D.C đều đặt ra mức giới hạn tuổi là chỉ có những người từ 21 tuổi trở lên mới được mua và uống rượu bia. Dĩ nhiên là vẫn có gian lận, kiểu sinh viên năm đầu nhờ anh chị năm cuối đi mua giúp, nhưng những sự gian lận ấy nếu bị phát hiện sẽ buộc họ phải trả cái giá rất đắt, có thể là cả sự nghiệp học hành.

Bây giờ thì chắc chúng ta đã hiểu là 1,7 triệu người Việt ở Mỹ, nhưng Tết ở đây không có lấy một vụ tai nạn giao thông do người ta quá chén, trong khi chỉ trong vòng ba ngày chúng ta đã “nướng” gần trăm mạng người.

Tạm biệt và hẹn thư sau.

Phạm Tấn (Washington D.C) - Thể thao & Văn hóa Cuối tuần.

0 comments:

Đăng nhận xét