Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Đôi lời cùng bác (hoặc tiến) sĩ Hồ Hải

Nhân đọc cái bài này của bác sĩ, và một số ý kiến mà bác sĩ chuyển người khác đến cho nghe.

Bác sĩ đã có lời rất khiêm nhượng (Có thể bài viết của một người ngoại đạo còn thiếu sót nhiều, cần các bạn trong chuyên ngành góp ý và bổ sung nó hoàn thiện hơn), đó là cái đáng phục của kẻ sĩ, nên chúng ta hãy coi như đây là câu chuyện bên bàn trà. Nhưng tôi không thể thoát được cái ý muốn góp vài ý để bác sĩ... góp ý.

Thứ nhất, theo tôi (và tôi có thể sai), Triết học là một khái niệm mới và thời Khổng tử người ta chưa thể nghĩ như vậy. Nó không thể nào là "một học thuyết để bình thiên hạ vào một trật tự xã hội quy củ (chứ không phải "cũ", mong bác sĩ lưu tâm, "quy" là cái com-pa, "củ" là cái ê-ke)". Hồi đó nó bất quá cũng chỉ là một "kế sách" (Thư), mà như vậy thì lúc đó có vô vàn (Bách gia Chư tử). Nên sau đó nhà Cách mạng lớn nhất Trung Hoa (và cũng có khi là lớn nhất nhì thế giới) Tần Thủy Hoàng đã có lệnh "Phần thư Khanh Nho", nhưng "Pháp gia" và "Đạo giáo" thì lại được đầu tư để phát triển.

Thứ hai, khái niệm 'Tôn giáo" cũng là mới. Theo hiểu biết của tôi (có thể sai), một triết thuyết hay một trào lưu tư tưởng được coi là một tôn giáo khi nó có đủ năm yếu tố sau (theo Từ điển Triết học):
  1. Có một bái vật (Thánh, Chúa... ở Nho giáo có thể coi là Khổng tử cùng mấy Á Thánh).
  2. Có hệ thống lý thuyết bất biến (kinh sách). "Tứ thư" làm được việc đó.
  3. Có một hệ thống tăng lữ quy củ và bất khả biến. Hình như Nho giáo chỉ có mỗi Thầy giáo là được. Chúng ta sẽ cùng xem xét.
  4. Có những "điều cấm kỵ". Cái này thì Khổng giáo không đưa được ra nét đặc trưng hoặc khá mơ hồ.
  5. Có nơi thờ tự đặc trưng: Khổng giáo có các Văn Chỉ hoặc Văn Miếu đủ đáp ứng yêu cầu này.
Đúng là Tôn giáo luôn là một thế lực mà Chính trị kinh sợ và giữa chúng luôn có những cuộc tranh hùng miên viễn. Đạt được cái mức độ đó hay không thì đã ngầm hiểu được lẽ Thư - Hùng. Nhưng e rằng Nho giáo không phải là một tôn giáo đúng nghĩa (và từ trước tới giờ nó vẫn là như vậy).

Ngoài ra, Cương - Thường - Luân - Lý cũng chỉ là mớ lý thuyết tu bổ thêm. Những cái đó cả Khổng tử với các Á thánh chưa làm được nhiều. Những cái này đa phần là do thời Hán sau khi diệt Tần làm nên (Đổng Trọng Thư) hoặc nhà Tống tô vẽ cho thêm đẹp (Trình Dy, Chu Hy...), đến đời Minh thì trọn vẹn như ta biết đến nay nhờ Vương Dương Minh.

Nếu soi xét nữa về Cương - Thường (như bác sĩ đã làm) thì e rằng rất phiến diện. Trong "Sử ký" (Tư Mã Thiên) Khổng tử có nói khi gặp Lão tử (mầm mống của Pháp gia): "Con chim, ta biết nó biết bay; con cá ta biết nó biết lội; con thú, ta biết nó biết chạy. Đối với loài chạy, thì ta có thể dùng lưới để săn; đối với loài lội thì ta có thể dùng câu để bắt; đối với loài bay thì ta có thể dùng tên bắn; đến như con rồng cưỡi mây cưỡi gió lên trời, ta không sao biết được! Hôm nay gặp Lão Tử, ông ta có lẽ là con rồng chăng?". Ở phương Đông cách nói ẩn dụ rất được phổ biến và hệ thống khái niệm rất khác. Không thể hiểu nôm na "quân sử thần tử, thần bất tử bất trung" là chuyện giết chóc. Theo những kẻ đọc Nho giáo hay ham triết học, có lẽ họ tôn thờ và giáo dục một thái độ phục tùng thượng cấp rất cần thiết cho mọi thời đại. Cái câu "Phụ xử tử vong..." không ra ngoài lẽ đó. Áp dụng nó thì có hàng ngàn tấm gương sáng trong chính khách hai phương trời đông - tây tới tận gần đây. Nước Nhật là một tấm gương tày liếp.

Còn chuyện hiểu những cái gì để làm cái gì thì nên hiểu đúng nó là cái gì trước đã, có nên thế không?

Thành lập viện Khổng tử không phải là chuyện lớn, đã có một viện Khổng tử rất lớn có tuổi gần như Thăng Long (Văn Miếu Quốc tử giám) rồi.

Còn cái chuyện bác bảo Tử Tư là Ngũ Tử thì có lẽ dân trong ngành cười tới trẹo quai hàm. Tử Tư là tên chữ của Khổng Cấp (Khổng Tử-Tư chứ không hề là Ngũ Tử-Tư, tên của Ngũ Viên) người san định sách Trung Dung, cuốn mà nếu nghiên cứu Nho gia phải đọc trước cả Luận Ngữ. Khổng Cấp khác Ngũ Viên không khác gì Hồ Hải khác Từ Hải, mặc dù cùng là "Hải".

Xã hội An Nam bây giờ như một cái nhà hàng buffet về tư tưởng. Ai thích gì thì gắp, bổ hay không có khi phải ra cửa đấm nhau mới biết. Hồi trước Tần Thủy Hoàng vừa đốt vừa chôn nhưng thống nhất được chữ viết, đơn vị đo lường, thể chế chính trị, hệ thống tiền tệ... Sau đó thì Đổng Trọng Thư, Trình - Chu, Vương Dương Minh chắc làm hơn được tí chút chăng?

Mong từ sau bác sĩ cứ chính danh đàm đạo!

Gửi tới bác sĩ những lời chào kính trọng!

0 comments:

Đăng nhận xét