Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Ai là người giàu nhất Việt Nam (Kỳ1)?

Trên thế giới, hàng năm một số tờ báo có uy tín như tạp chí Forbes thường công bố những người giàu, với tài sản hàng chục tỷ đô la Mỹ. Cho đến nay, chưa thấy có tên những người giàu Việt Nam trong số đó.
Ông Phạm Nhật Vượng
Kỳ I: Từ chuyện một đai gia lịch lãm …

Ở Việt Nam gần đây một số tờ báo công bố người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Năm 2008 là ông Đặng Thành Tâm, năm 2009 là ông Đoàn Nguyên Đức; năm 2010 là ông Phạm Nhật Vượng.

 Nhưng, ở Việt Nam, giàu trên sàn chứng khoán chỉ là của “ nổi”, người ta  còn phải tính đến của “chìm” nữa chứ?

Vậy ai là người giàu nhất Việt Nam theo nghĩa đúng nhất của từ này . Nghĩa là có cả của “chìm” lẫn của “nổi”?

Thực ra, tôi đã tìm hiểu đề tài này từ lâu. Năm 2004 tôi có viết một bài báo đăng trên tờ Tiền Phong với tựa đề  “Ai là người giàu nhất Việt nam” ?

Đến năm 2005, tôi cho ra đời cuốn sách “Ai là người giàu nhất Việt Nam” do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Cuốn sách đã được đón nhận rộng rãi vì có lẽ đó là cuốn sách đầu tiên ở nước ta đặt ra vấn đề này.

Một số nhà báo hỏi tôi lý do viết cuốn sách này. Thúy Anh, lúc đó là phóng viên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam, hỏi rằng có phải anh viết cuốn sách là để tri ân bạn bè, những người cùng học với anh ở Đông Âu không? Tôi bảo không. Trong cuốn sách “Ai là người giàu nhất Việt Nam” có rất nhiều người không phải là bạn bè tôi và  cũng không học với tôi ở Đông Âu. Thậm chí, có người tôi cũng chẳng quen biết gì. Tôi viết để lý giải về hiện tượng mới ở Việt Nam, để ủng hộ chủ trương làm giàu chân chính…

Khi cuốn sách được phát hành rộng rãi, tôi nhận được nhiều cú điện thoại, nhiều lá thư… Trong số độc giả, người thì hoan nghênh, người nghi vấn. Có người bảo anh phải viết thêm sâu hơn, cụ thể hơn để lý giải cặn kẽ vấn đề làm giàu ở nước ta.

Sau đó, tôi thấy họ có lý. Tôi dành thời gian tìm hiểu,  góp nhặt tư liệu, gặp gỡ nhân vật…và bắt tay vào viết phóng sự này.

Điều đầu tiên, tôi nói về lý do vì sao tôi tâm huyết với đề tài này? Vì sao suốt một thời gian dài tâm lý ghét người giàu kinh khủng thế ?

Có lẽ bắt đầu từ tư duy tiểu nông của chế độ phong kiến. Cái câu

“Trâu buộc ghét trâu ăn,
Quan võ thì ghét quan văn dài quần”.

lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay. Rồi thực tế phũ phàng của những người giàu, những “ chúa đất” với con ở, với người nghèo được thể hiện trong ca dao:

“Chúa trai là chúa hay lo,
Đêm nằm cắt việc ra cho mà làm.
Chúa gái là chúa ăn tham,
Đồng quà tấm bánh đút ngang trong buồng.
Ăn thì chết nứt chết trương,
Chẳng nhớ thằng ở, chẳng thường con đòi.
Mua cho một tấm khố sồi,
Bề ngang chiếc đũa, bề dài nửa thân.
Đi đâu chẳng dám cởi trần,
Trông thấy chúng bạn cực thân thay là…”

Cái cảnh bất công ấy, cái loại người giàu tiểu nông , bủn xỉn, bé nhỏ ấy hình như là phổ biến ở nước ta rất lâu. Nó đã vào ca dao, tục ngữ. Nó được đưa vào sách giáo khoa và một thời nhiều thế hệ học sinh phải học sái cổ .

Rồi những năm chế độ bao cấp, của cải, tư liệu sản xuất đều công hữu hóa. Người giàu bị coi là đối tượng bóc lột. Có một ít vàng do ông cha để lại cũng phải mang nộp cho chính quyền, phải sung công … Tôi đã chứng kiến chiến dịch Z gì đó ở Hà Nội. Những ai có ngôi nhà hai tầng đều bị tịch thu, có người còn bị bắt đi cải tạo mà không cần biết tài sản của họ có bất minh hay không!

Hình như, cho đến bây giờ, người giàu không dám công khai tài sản của mình có lẽ do nỗi sợ từ đó. Bởi vậy, viết về người giàu Việt Nam rất khó.

Tôi còn nhớ những ký ức khó quên của một thời “đói ăn, thiếu mặc”, dù đất nước đã thống nhất, hòa bình . Đó là thời kỳ cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Tòa soạn báo chúng tôi phải chia nhau từng cọng rau muống. Mỗi khi mua được một ít rau từ cửa hàng mậu dịch chợ Hôm, tòa soạn báo vui như mở hội! Ai cũng náo nức chờ được chia một mớ rau, nhiều khi chỉ có vài chục ngọn. Cả những cọng rau già khô quắt cũng được chia đều. Rồi người nào người nấy hớn hở đèo sau xe đạp về nhà.

Một lần, lúc đó tôi là Bí thư chi đoàn của báo, vào thường trú ở Thành phố Hồ chí Minh, thấy phía sau khu nhà ở tập thể của ban đại diện có một ít đất bỏ không. Tôi lên gặp xếp phó (xếp vào làm việc với ban đại diện  và đề xuất cho anh em trồng một ít rau để cho bếp ăn tập thể . Xếp phó trừng mắt bảo “ Tư tưởng cậu lồi lõm rồi… Cậu phải nhớ rằng một tấc đất tư hữu cũng có thể đẻ ra chủ nghĩa tư bản !” . Kinh hãi quá !

Lịch sử đã sang trang.

Công cuộc đổi mới ở nước ta thực sự là một bước ngoặt lớn lao. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Nhà nước khuyến khích làm giàu chính đáng. Nhà nước bảo đảm cho người giàu bằng pháp luật.

Nhưng, nhiều vấn đề mới lại đặt ra.

Tôi còn nhớ một buổi tối trên tầng thượng của khách sạn Rex ở Sài Gòn. Năm 1990 có cuộc gặp mặt hoa khôi cùng các người đẹp sau cuộc thi người đẹp khu vực miền Đông Nam bộ và Thành phố Hồ chí Minh, chuẩn bị cho cuộc thi hoa hậu toàn quốc do báo Tiền Phong tổ chức. Một người đàn ông mặc com lê trắng, trông lịch thiệp hào hoa, ra dáng một ông chủ hiện đai tiến đến bắt tay tôi và tự dưới thiệu tên là Quang. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không nhớ họ của anh ta, vì chỉ gặp nhau vài tiếng đồng hồ trong bữa tiệc chiêu đãi các người đẹp. Đó là ông chủ sơn Mài Lam Sơn một thời nổi tiếng là giàu có bậc nhất ở các tỉnh phía Nam mà nhiều người đã biết . Năm đó sơn mài Lam Sơn có tài trợ một phần cho cuộc thi hoa hậu.

Bẵng đi một thời gian, tôi nghe nói cơ nghiệp của ông bị phá sản , ông phải chạy trốn ra nước ngoài. Tiếp đến là một loạt các đại gia họ Tăng, họ Liên …ra tòa, cơ nghiệp của họ sụp đổ. Tiếng xấu về những đại gia, những người giàu lan đi khắp nơi …

Từ đó người ta ngại gặp người giàu, ngại quan hệ với các đại gia! Mỗi lần có người giàu nào đó, đại gia nào đó đặt vấn đề về tài trợ hay bảo trợ cho cuộc thi hoa hậu là tôi lại phải đắn đo, xem xét. Nhưng xem xét thế nào hết được khi mà nhũng thông tin về người giàu ở ta rất hạn chế, rất khó kiểm định.

Tôi đã mất rất nhiều thời gian cóp nhặt thông tin để viết cuốn sách này. Cũng chỉ là bước đầu tìm hiểu về người giàu Việt nam …
              
Dương Kỳ Anh

0 comments:

Đăng nhận xét