Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Oscar 2011: Lịch sử “chiến đấu” với hiện đại

Oscar, sự kiện điện ảnh lớn nhất thế giới trong năm vừa diễn ra. Với kết quả hầu như đã được đoán trước hết. Giải thưởng Oscar năm nay không có nhiều bất ngờ, nhưng làm hài lòng hầu hết giới chuyên môn cũng như người hâm mộ điện ảnh.
Bộ phim The King's Speech (Diễn văn của Đức Vua) và tài tử Colin Firth chiếm 54% bầu chọn tiền Oscar đã chiến thắng trong sự mãn nguyện, đồng thời cũng ẵm luôn những giải thưởng quan trọng nhất của Oscar cho Kịch bản, Đạo diễn, Nam diễn viên chính và Phim hay nhất.

Tượng vàng dành cho "thiên nga đen" kiều diễm Natalie Portman cũng gần như được khẳng định ngay từ đầu. Hẫng hụt nhiều nhất có lẽ chính là đoàn phim The Social Network, bộ phim được đánh giá là đối thủ nặng ký nhất của The King's Speech khi dẫn điểm trước với giải Quả cầu vàng. The Social Network cũng là cái tên HOT nhất trong các rạp chiếu với thành công lớn về thương mại.

The Social Network có tiết tấu nhanh, lời thoại đặc biệt sắc sảo đoạt giải Kịch bản chuyển thể và Biên tập phim xuất sắc nhất.

Aaron Sorkin nhận giải
Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất
trong phim The Social Network.
Ảnh: Reuters
10 phim được đề cử cho Oscar năm nay được công bố, nhưng sân chơi cuối cùng vẫn dành cho vị vua nỗ lực chiến thắng tật nói lắp. Một lần nữa, đề tài chân dung, đặc biệt chân dung hoàng gia lại được Hollywood ưa thích. Lần này vị vua nước Anh nổi tiếng Geogre VI được tái hiện không phải ở hào quang hay vị trí quyền thế của một ông hoàng, mà ở góc độ con người nhất.

Một bài phát biểu được chuẩn bị sẵn là việc quá đơn giản với bất cứ người nào biết đọc, nhưng với vị công tước Albert là một thách thức khó có thể vượt qua. Với nỗ lực của người vợ, nữ hoàng Elizabeth, Albert đã phải chấp nhận vượt uy quyền và tự ái của một ông hoàng, chấp nhận trở thành học trò của nghệ sĩ kịch nói, vị bác sĩ đặc biệt Lionel Logue - người ngay từ đầu đã đòi hỏi Albert cư xử "ngang bằng" với ông như hai người bạn - để khắc phục cố tật của mình.

Diễn viên Colin Firth và vợ Livia Giuggioli.
Ảnh: Reuters
Trải qua đủ các cung bậc cảm xúc, từ tuyệt vọng tự ti vì chính bản thân mình, buồn chán, vui mừng, bực tức... thậm chí nổi đóa lên khi Lionel Logue gọi là "Berty", cái tên thân mật của người nhà hay dám ngồi vào chiếc ghế dành riêng cho Vua và Nữ hoàng... nhưng cuối cùng Albert cũng nhận ra tất cả những việc đó là cách Lionel Logue đang giúp Albert vượt qua sự kích động và kiềm chế cảm xúc để vượt qua tật cà lăm của mình.

Giờ phút trọng đại nhất đã đến, khi toàn thể nước Anh đứng trước chiến tranh, Albert - khi đó đã trở thành Vua Geogre VI - phải đọc một bài diễn văn hiệu triệu toàn dân kháng chiến, được truyền trực tiếp trên đài phát thanh. Lionel Logue đã sát cánh cùng Albert đến phút cuối cùng, và bài diễn văn thật tuyệt vời vượt qua mong đợi. Lionel Logue trở thành bạn thực sự của Albert.

Những chuyện chỉ diễn ra ở... Hollywood

Với kinh phí 40 triệu USD, dù không chiến thắng tại Oscar nhưng The Social Network cũng kịp khiến những nhà sản xuất hạnh phúc mãn nguyện khi mang về doanh số không lồ, cùng lượng thông tin phủ kín các mặt báo. Nhưng bất chấp độ tưng bừng của bộ phim, đối tượng chính của nó - công ty Facebook không đếm xỉa đến.

Dù là bộ phim chân dung về mình, nhưng ông chủ thực sự của Facebook Mark Zuckerberg ghét cay đắng bộ phim. Trước đó anh từng  tuyên bố: "Mong đừng ai làm phim về tôi chừng nào tôi còn sống", và tuyên bố: tất cả những chi tiết trong phim về anh đều không có thật "Trừ những chiếc áo, chúng đúng là những chiếc sơ mi tôi từng mặc".

Đạo diễn Tom Hooper đoạt giải thưởng
Đạo diễn xuất sắc nhất với phim The King's Speech.
Ảnh: Reuters
Kịch bản được viết dựa trên cuốn sách Những tỷ phú tình cờ (The Accidental Billionaires) của nhà báo Ben Mezrich. Ben Mezrich viết sách sau khi thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn Eduardo Saverin, người cộng sự và sau này là người cáo buộc Mark Zuckerberg đã phản bội và bỏ rơi anh ta.

Bản thân Mark Zuckerberg và những người ủng hộ anh cho rằng bộ phim "không đúng sự thật và bất công"; nhưng những nhà làm phim phản pháo có được những tin nhắn cũng như nhiều bằng chứng khác chứng minh Mark Zuckerberg đã có những tính toán chèn ép, không đàng hoàng với chính cộng sự và đối thủ.

Trước nhiều luồng dư luận, Facebook chọn cách phớt lờ bộ phim, coi như một tác phẩm nghệ thuật "chẳng liên quan gì đến chúng tôi". (Nhưng giả dụ nếu The Social Network chiến thắng tại Oscar, tình hình có khi sẽ khác).

The King's Speech cũng từng dấy lên những tranh cãi khi xây dựng hình ảnh vị vua "kém hoàn hảo", nhưng cuối cùng chính sự "kém hoàn hảo" ấy là sự gần gũi nhất, chân thực nhất để Vua Geogre VI đến được với trái tim công chúng, góc độ của một con người - có thể có bất kỳ khiếm khuyết nào - chứ không phải như một vĩ nhân. Lý lẽ của Hollywood.

Một chút liên tưởng đến điện ảnh Châu Á, và ở Việt Nam. Nếu The King's Speech hay The Social Network được sản xuất, hoặc dự định sản xuất ở Việt Nam, chắc sẽ trở thành nhiệm vụ bất khả thi, vì muôn ngàn lý do; và chắc chắn từ những dự án như vậy, khi chưa thành hình, khán giả đã được khuyến mại trước những màn kiện cáo và tranh cãi ra trò.

Nhưng Hollywood là Hollywood, nơi sản phẩm trí tuệ - dù có gây tranh cãi đến đâu - vẫn tỏa hào quang, nếu trái tim khán giả bị chinh phục.

Danh sách giải Oscar 2011

  • Phim hay nhất: "The King's Speech"
  • Đạo diễn xuất sắc nhất: Tom Hooper, "The King's Speech"
  • Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Colin Firth, "The King's Speech"
  • Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Natalie Portman, "Black Swan"
  • Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Christian Bale, "The Fighter"
  • Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Melissa Leo, "The Fighter"
  • Phim nước ngoài hay nhất: "In a Better World" - Đan Mạch
  • Kịch bản gốc hay nhất: "The King's Speech"
  • Kịch bản chuyển thể hay nhất: "The Social Network"
  • Phim hoạt hình hay nhất: "Toy Story 3"
  • Phục trang đẹp nhất: "Alice in Wonderland"
  • Hoá trang đẹp nhất: "The Wolfman"
  • Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất: "Alice in Wonderland"
  • Quay phim xuất sắc nhất: "Inception"
  • Nhạc phim hay nhất: "The Social Network"
  • Ca khúc trong phim hay nhất: "We belong together" (Toy Story 3)
  • Hoà âm hay nhất: "Inception"
  • Biên tập âm thanh xuất sắc nhất: "Inception"
  • Hiệu quả hình ảnh xuất sắc nhất: "Inception"
  • Biên tập phim xuất sắc nhất:"The Social Network"

0 comments:

Đăng nhận xét