Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Cuộc diễn thuyết cách đây hơn một thế kỷ

Xin trích đăng lại đoạn đầu chương Sáu, cuốn "Đông Kinh Nghĩa Thục" của Nguyễn Hiến Lê viết năm 1955. Đây là cuốn sách viết về những anh hùng dân tộc, những nhà Cách mạng tiền bối. Riêng tôi, sau khi đọc, tôi nghĩ rất nhiều về cách hành xử của nhà cầm quyền.
...
Người Pháp rất ghét những bài ca ái quốc của Nghĩa thục, mà cũng không ưa gì những cuộc diễn thuyết, nhưng các cụ cứ diễn thuyết bừa đi, xem họ phản ứng ra sao.

Như trên tôi đã nói, đợi lâu quá không được phép, các cụ mở trước những lớp dạy Quốc ngữ. Vài tháng sau, phủ Thống sứ mới ký giấy cho mở trường, nhưng không phải khi không họ ký đâu, mà phải nhờ một cuộc diễn thuyết làm vang động cả Hà Thành, họ mới chịu nhượng bộ.

Cuộc diễn thuyết đó do Dương Bá Trạc Lương Trúc Đàm, hai thanh niên rất hăng hái, đứng ra tổ chức ở đền Ngọc Sơn. Chắc nhiều độc giả đã biết đền này là một thắng cảnh ở ngay trung tâm Hà Thành, cất trên một cù lao giữa hồ Hoàn Kiếm. Vài nhịp cầu gỗ cong cong - cầu Thê Húc - nối đền vào bờ. Trong sân đền, ngay ở mí nước, dựng lên một nhà thủy tạ, mỗi chiều rộng chừng tám thước, trên có nóc nhưng bốn bên trống. Hồi đó đền có lệ cứ đến ngày Thượng nguyên, đón một vị Hòa thượng đến thuyết pháp cho thiện nam tín nữ nghe (1). Hai cụ Bá Trạc và Trúc Đàm lợi dụng ngay chỗ đó để diễn thuyết cho có đông thính giả.

Tin truyền miệng ra rất mau, nhiều người khuyên đừng làm e sẽ thất bại. Cụ Trúc Đàm khảng khái đáp:

- Mình làm việc chính đại quang minh, họ không thể giết mình được.

Chiều ngày rằm tháng giêng năm Đinh mùi (1907) hàng trăm người có cảm tình đợi sẵn ở sân đền. Lại thêm những người đi lễ, thành thử chen chân không lọt, nhiều người tới trễ phải đứng cả ở trên cầu và trên bờ ngó vào.

Vị Hòa thượng sắp giảng kinh thì cụ Trúc Đàm lại xin nhường chỗ cho cuộc diễn thuyết. Tức thì cụ Dương đăng đàn, giọng sang sảng hô hào đồng bào bỏ cái học cử nghiệp đi mà noi gương duy tân của Nhật Bản.

Mọi người đương chăm chú nghe, tới tiếng chuông, tiếng mõ cũng ngưng thì bỗng thiên hạ ào ào, la hét: "Đội xếp đội xếp! Rồi tranh nhau chạy. Nhưng chạy đâu? Đền chỉ có mỗi một lối ra là cầu Thê Húc thì cảnh binh đã chặn rồi. Chắc các cụ lúc đó mới thấy rằng mình khờ, lựa ngay cái rọ mà đưa đầu vào. Đã đành chính hai cụ đâu có sợ gì mật thám cùng cảnh binh, nhưng còn thính giả thì sao? Cảnh hỗn độn không thể tả: người ta kêu khóc, quay cuồng, nhớn nhác, xô đẩy nhau, giẫm lên nhau, nón bẹp, giầy văng, khăn xổ, áo toạc. Có kẻ hổn hển nằm rạp sau hai bức tượng Châu Xương và Quan Bình; có kẻ chui xuống dưới gặm bàn thờ; quýnh quá, một số nhảy ùm xuống hồ, chới với vì không biết lội.

Hai cụ Bá Trạc và Trúc Đàm vẫn ngang nhiên đứng giữa nhà thủy tạ với vài chục người bình tĩnh. Cụ Dương la:

- Xin anh em chị em đừng sợ!

Nhưng nào mấy ai chịu nghe?

Một cảnh binh Pháp tiến từ cầu vô, vẻ mặt hầm hừ, xì xồ ít tiếng. Người thông ngôn dịch ra, hỏi:

- Ai cầm đầu?
Hai cụ đồng thanh tự nhận:

- Tôi. Tôi.

Tức thì tiếng vỗ tay vang rền, tiếp theo là một loạt roi đập đôm đốp lên lưng, lên đầu quần chúng.

Cảnh binh dẫn hai cụ về sở Cẩm Hàng Trống tra hỏi, tới tối mới thả ra.

Ít bữa sau, hai cụ được giấy mời lên phủ Thống sứ.

Người Pháp thời đó mới lập xong cơ sở ở nước mình, còn muốn thu phục nhân tâm, nhất là bọn nhà nho được dân trọng vọng, nên thường có cử chỉ cũng khá nhã, không như bọn thực dân hồi sau nay. Có lẽ một phần cũng nhờ ảnh hưởng của bức thư chân thành do cụ Tây Hồ gởi mấy tháng trước cho họ. Nguyên sau khi từ biệt cụ Lương Văn Can để về Quảng Nam, cụ Tây Hồ đã có định kiến, quyết tranh đấu ở ngoài ánh sáng. Cụ thảo một bức thư chữ Hán dài hai chục trang, vạch ba cái tệ của chính phủ: một là dung túng bọn quan lại thành ra cái tệ quan dân coi nhau như mẹ chồng con dâu; hai là khinh dể kẻ sĩ, gây ra cái tệ xa cách giữa nhà cầm quyền Pháp và các nhà trí thức Việt; do hai tệ đó mà gây ra cái tệ thứ ba là để quan lại hà hiếp dân. Cuối thư, cụ yêu cầu chính phủ Bảo hộ tổ chức lại quan trường, mở mang dân trí, khuếch trương thực nghiệp.

Người Pháp trọng tinh thẩn ngay thẳng của cụ, thấy lời lẽ ôn hòa mà hữu lý nên nể các nhà nho chân chính ái quốc và tiếp hai cụ Dương Bá Trạc, Lương Trúc Đàm một cách có lễ độ.

Viên Thống sứ Bắc Việt mời hai cụ ngồi rồi ôn tồn hỏi:

- Sao các ông làm nhiễu loạn trị an của chính phủ như vậy? Các ông có nhận là có lỗi không?

Cụ Dương đáp:

- Nước Pháp đặt nền Bảo hộ ở đây đã hai chục năm, tự nhận công việc khai hóa cho chúng tôi mà tới nay chưa  mở mang dân trí được chút nào, nên chúng tôi phải đứng ra lãnh lấy nhiệm vụ, như vậy là chúng tôi thành tâm tiếp tay chính phủ, chứ sao gọi là nhiễu loạn cuộc trị an được?  Chúng tôi chỉ khuyên dân duy tân để theo kịp người Âu,  chú trọng đến thực nghiệp để nước được giàu, như vậy là lợi cho chính phủ, sao gọi là lỗi? Vả lại chúng tôi đã xin  phép chính phủ mở trường và diễn thuyết mà hai tháng rồi, thấy chính phủ làm thinh, chúng tôi nghĩ là chính  phủ đã mặc hứa, như vậy thì chúng tôi đâu phải là không biết trọng phép của chính phủ?

Gục gặc đầu suy nghĩ một chút, viên Thống sứ nhã  nhặn phủ dụ:  

Hai ông có lòng yêu nước An Nam thì cũng như  người Pháp chúng tôi yêu nước Pháp vậy, nào tôi có muốn ngăn cản. Sở dĩ tôi chưa cho phép được là còn phải  đợi ý kiến quan Toàn quyền. Thôi hai ông về đi, tôi sẽ đem việc đó nhắc lại với ngài và chắc ngài cũng không  hẹp lượng gì đâu.

Viên Thống sứ giữ lời hứa và khoảng hai tháng sau, Nghĩa thục được giấy phép.
...

0 comments:

Đăng nhận xét