V. Cuộc đời cay đắng của Báo tử đầu Lâm Xung
Lâm Xung, ngoại hiệu Báo tử đầu là một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Trong Thủy Hử, Lâm Xung được khắc hoạ đậm nét, "là một vị quan nhân đầu bịt khăn xanh mình mặc lạc bào tay cầm quạt Tây Xuyên, đầu beo, mắt tròn, hàm én, râu cọp, mình cao tám thước". Tuy nhiên, cuộc đời thực của nhân vật này đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi.
Lâm Xung là đồng môn với Nhạc Phi ?
Cùng với Quan Thắng, Tần Minh, Hô Duyên Chước, Lâm Xung là một trong những người có võ công cao cường nhất Lương Sơn Bạc, có kỹ thuật đánh trường thương cực kỳ điêu luyện. Cuộc đời Lâm Xung trước khi lên Lương Sơn rất éo le: Bị bạn thân là Lục Khiêm phản bội và bị bọn gian thần hãm hại đến thân bại danh liệt mất hết nhà cửa vợ bị giết chết! Lâm Xung vốn có thù sâu với Cao Cầu, nhưng lần nào cũng không giết được Cao Cầu. Một lần nghĩa quân Lương Sơn bắt được Cao Cầu, được Lỗ Trí Thâm báo tin Lâm Xung rất lấy làm vui mừng mang đao định giết chết hắn nhưng bị Tống Giang ngăn cản không cho giết, Lâm Xung lấy làm uất hận thổ huyết! Sau khi đánh bại Phương Lạp, Lâm Xung bị bệnh cảm gió, Tống Giang cho người chữa mãi không khỏi, bèn để Lâm Xung ở lại chùa Lục Hòa, giao cho Võ Tòng chăm sóc. Nửa năm sau thì Lâm Xung qua đời.
Để nói về cuộc đời được miêu tả là vị giáo đầu từng chỉ huy 80 vạn cấm quân tại Đông Kinh này, người ta có thể đúc kết một câu là: Cuộc đời bi tráng của một anh hùng đầu đội trời chân đạp đất cùng mối thù mang vào cõi thiên thu. Xoay quanh về nhân vật Lâm Xung, đã có rất nhiều tài liệu ghi rằng đó chỉ là một nhân vật hư cấu, không có thực ngoài đời. Tuy nhiên, cũng có tài liệu lại ghi rằng: Lâm Xung với anh hùng dân tộc Trung Quốc - Nhạc Phi đã từng là đồng môn và có chung một vị sư phụ có tên Chu Đồng.
Nhạc Phi (1103 - 1142) là nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, danh tướng chống quân Kim thời Nam Tống. Ông là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc, chức tước của ông trước khi bị giết là Đại nguyên soái. Người Trung Hoa luôn lấy Nhạc Phi làm gương, đời đời kính nhớ người con chí hiếu, cũng là một người anh hùng dân tộc, một bậc sĩ phu dũng liệt trung thần. Trong một số tài liệu đến nay vẫn còn ghi lại, Nhạc Phi chính là đồ đệ của chân truyền Thiếu Lâm - Chu Đồng. Chu Đồng cũng đã từng ra làm tướng dưới thời vua Tống Huy Tông nhà bắc Tống - Trung Quốc. Tuy nhiên do chán ghét thói xu nịnh của đám tham quan và sự bất tài của hoàng đế nên ông từ quan về quê mở lớp dạy võ Thiếu Lâm.
Theo những gì sử sách Trung Hoa còn ghi lại thì: "Chu Đồng có hai đồ đệ có tài nghệ hơn người có tên: Lư Tuấn Nghĩa và Lâm Xung. Lư Tuấn Nghĩa khi trưởng thành do gia đình giàu có nên không có tham vọng làm quan. Lâm Xung sau một thời gian làm quan trong triều cũng trở về quê, thay thế Chu Đồng tiếp nhận trường dạy Võ Lâm khi thầy Chu già yếu".
Nhạc Phi là đồ đệ sau này của Chu Đồng, cùng với Lư Tuấn Nghĩa và Lâm Xung, nhân vật này cũng là một môn đồ có võ công cao cường. Tuy nhiên, so với võ nghệ của Lư Tuấn Nghĩa và Lâm Xung thì võ công của Nhạc Phi chưa đạt tầm.
Nghi án Lâm Xung yêu Hổ Tam Nương
Trong 108 vị anh hùng Lương Sơn hùng cứ một phương, ít người nhắc đến 3 vị phụ nữ hiếm hoi - những người thổi luồng gió mới mẻ vào các vị hảo hán vốn chỉ mang nặng mối thù sâu đậm với triều đình nhà Tống. Cũng trong 3 vị anh hùng là nữ giới này, ít ai nhắc tới mối tình thầm kín giữa đệ nhất mỹ nhân Lương Sơn Bạc- Nhất Trượng Thanh Hổ Tam Nương và người có võ công cao cường nhất Lương Sơn - Báo tử đầu Lâm Xung. Chuyện tình giữa cặp trai tài gái sắc này sẽ kết thúc có hậu nếu như không có sự can thiệp thô bạo từ Tống Giang.
Trước khi bị Lâm Xung bắt sống và trở thành người của Lương Sơn Bạc, Hổ Tam Nương đã có đính ước hôn sự với công tử thứ ba của nhà họ Chúc. Mặc dù hai gia đình chưa có ngày giờ chính thức cho hôn sự này, nhưng Hổ Tam Nương đã từng nói với phụ thân của mình rằng: "Dù chết cũng không nghe theo sự sắp đặt". Từ tình tiết này cho thấy, Hổ Tam Nương là một phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, không chịu sự dàn xếp của người khác đối với cuộc đời của mình.
Trong hồi thứ 47 của Thuỷ Hử truyện, khi Hổ Tam Nương xuất quân và tiến đánh quân Lương Sơn, chính cô đã là người đánh bại và bắt sống Vương Nụy Hổ - người sau này đã trở thành chồng cô do sự sắp đặt của Tống Giang. Sau trận đánh này, Hổ Tam Nương đã biết rằng họ Vương vừa lùn vừa háo sắc đó không thể là đối thủ của cô trên trận địa. Chỉ đến khi có sự ra tay của Lâm Xung, một trong những người có võ nghệ cao cường nhất Lương Sơn thì Hổ Tam Nương mới chịu khuất phục.
Mặc dù sau khi bị bắt, Hổ Tam Nương có một mối thù sâu nặng với Lâm Xung, nhưng khi đã lên Lương Sơn và gia nhập đội quân của 108 vị anh hùng hảo hán, nhân vật này lại luôn tỏ ra nhẹ nhàng và ân cần khi tiếp xúc với Báo tử đầu. Khác với khí thế hừng hực của một võ tướng khi xuất quân, trở về Lương Sơn với cuộc sống thường nhật, Lâm Xung luôn tỏ ra là một nhân vật điềm đạm, chung thuỷ và là một chính nhân quân tử so với những nhân vật khác trong các anh hùng hảo hán. Và như vậy, sự cảm phục, ngưỡng mộ Lâm Xung- một chính nhân quân tử của Lương Sơn từ người con gái mang tên Hổ Tam Nương là một điều dễ hiểu.
Theo những gì Thi Nại Am miêu tả trong Thuỷ Hử, khi lên Lương Sơn, vì còn nặng lòng với người vợ đã khuất núi, Lâm Xung hầu như ngày nào cũng ngắm trăng và tưởng nhớ tới cố nhân của mình. Điều này đã khiến cho Hổ Tam Nương cảm thấy có một sự cảm thông và kính phục với tấm lòng chung thuỷ của Lâm Xung dành cho vợ. Khi lên Lương Sơn, hàng ngày được tiếp xúc với vị Giáo đầu - thủ lĩnh của hơn 80 vạn cấm quân, vừa cảm nhận được tấm lòng của một người đàn ông chung thuỷ, Hổ Tam Nương đã nhận thấy có những rung cảm khác lạ đối với Lâm Xung. Hơn nữa, cặp đôi Lâm Xung - Hổ Tam Nương sẽ được cho là xứng đôi vừa lứa nếu như được Tống Giang kết hợp. Một bên Lâm Xung là trai tài, một bên Hổ Tam Nương là nữ sắc, cả hai bên đều đơn thân khi gia nhập nghĩa quân Lương Sơn Bạc, nếu như được chung một mái nhà thì không có gì phải bàn cãi.. Tuy nhiên, sự đời không đơn giản như nhiều người nghĩ.
Mặc dù là một nữ tướng nhưng cũng giống như những người con gái khác cùng thời, việc biểu lộ cảm xúc yêu đương trước với một nam giới được coi là... cấm kỵ. Chính vì thế, cuộc đời của Hổ Tam Nương đã có bước ngoặt mới khi bị Tống Giang ép gả cho kẻ bại trận dưới tay cô trước đây - Vương Nụy Hổ.
Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng: "Sở dĩ Thi Nại Am cho Hổ Tam Nương kết hôn với Vương Nụy Hổ cũng chỉ nói lên một hiện tượng xã hội đương thời: Trong chế độ phong kiến Trung Hoa cũ, dù cho có tài sắc thế nào nhưng thân phận người phụ nữ vẫn luôn bị coi là thấp hèn. Họ có thể trở thành món đồ trao đổi trong các cuộc thương lượng chính trị của giới đàn ông".
0 comments:
Đăng nhận xét