"Ba yếu tố kết hợp lại: tường thu phí, sáp nhập, trợ cấp", đó là công thức gây sửng sốt mà người khổng lồ ngành quảng cáo Martin Sorrell đưa ra cho mô hình kinh doanh truyền thông đang gặp vô vàn khó khăn.Martin Sorrell luôn là một nhân vật gây ra nhiều tranh cãi. Hôm nay, ông trùm quảng cáo của Anh - người đã quy tụ được một trong những nhóm công ty quảng cáo lớn nhất thế giới - dường như đang thách thức dư luận khi ngồi phân tích về tình hình của giới truyền thông.
"Vậy vụ sáp nhập AOL-Huffington Post trị giá 315 triệu USD thì sao. Liệu đó có phải là một mô hình bền vững cho tương lai hay không?", tôi (tức tác giả bài báo, Joanne Lipman - ND) hỏi. "Tôi cho rằng không". Sorrell trả lời. Theo ông, giá mua lại - gấp 10 lần doanh thu năm 2010 - là quá cao đối với một website chỉ đi thu thập nội dung của người khác.
Vậy còn tạp chí The Daily của Rupert Murdoch, tờ báo chỉ dành riêng cho iPad có tính phí thuê bao? "Tôi là một người hâm mộ các sản phẩm của Rupert", ông trả lời một cách khéo léo. "Tôi cho rằng việc yêu cầu người sử dụng trả phí xem nội dung là một điều hết sức quan trọng. Cách làm của tờ The Daily là đúng đắn." Nhưng liệu The Daily có đem lại lợi ích gì cho ông ấy nếu xét về nội dung đăng tải và chất lượng hay không? "Có lẽ dần dần sẽ có".
Về bức tường thu phí mới áp dụng tên tạp chí The New York Times cuối tháng 3, ông nói: "Dĩ nhiên là tôi hy vọng" nó sẽ có hiệu quả. Cách nói của ông nghe có vẻ không lạc quan lắm. "Tôi là người thực tế", ông nói. Theo Sorrell, tờ Times giờ đây không còn quan trọng với ông nhiều như trước nữa. "Ngày nay trên thế giới có rất nhiều tờ báo khác nhau, và ngay cả trên đất Mỹ cũng có những website có giá trị tương đương Times - hoặc ít giá trị hơn nhưng vẫn hiệu quả", ông nói.
Đã có ai tìm ra được mô hình hoạt động mới của truyền thông hay chưa? "Tôi cho rằng chưa có ai phát hiện được điều đó", ông nói.
Vị lãnh đạo 66 tuổi này từng có thời gian đóng vai trò gián điệp. Hơn 20 năm trước, khi lần đầu tiên gặp ông - lúc đó ông chưa phải là một chính khách cấp cao được phong tước hiệp sĩ như hiện nay - ông là một người mới bước chân vào thị trường tài chính và đầy kiêu căng. Huyền thoại ngành quảng cáo David Ogilvy đã gắn mác xấu cho ông là "tên vô lại đáng ghét"; và quả thực, ông đã xâm nhập thị trường Mỹ một cách đầy hung hăng với các thương vụ mua lại thù địch đối với hai công ty quảng cáo nổi tiếng là J. Walter Thompson (1987) và Ogilvy & Mather (1989). Trong một bài báo đăng tải trên trang nhất tạp chí Wall Street Journal số ra năm 1989, tôi đã gọi ông là "nhân vật bị căm ghét nhất ở Đại lộ Madison".
Có thể những suy nghĩ của ông mới chỉ là ý kiến của một cá nhân, nhưng tập đoàn quảng cáo WPP Group PLC của ông - với những khách hàng như Ford và Procter & Gamble sẵn sàng rải 72 tỉ USD trên khắp thế giới mỗi năm - có khả năng xây dựng hoặc phá hỏng bất kỳ mô hình hoạt động nào của giới truyền thông. Từ vị trí của mình, ông hiểu rõ về tình trạng phân tán, hoảng loạn trong lĩnh vực kinh doanh truyền thông hiện nay hơn nhiều người khác.
Ông cũng nhìn thấy những điểm sáng. Ông thích các ứng dụng trên iPad của tạp chí The Wall Street Journal và Times và ứng dụng tổng hợp của tạp chí Flipboard. Ông tiếp cận một lượng tin tức khổng lồ qua iPad, trên truyền hình cáp, và qua hệ thống điểm tin qua email, nhưng những phương tiện đó không giúp giải quyết vấn đề cho một mô hình kinh doanh truyền thông đang chết dần. "Cái dở của Internet hiện nay là nó xuất hiện quá nhiều. Độ phân tán của nó quá lớn, và việc sử dụng Internet đa phần là miễn phí", ông nói. "Người tiêu dùng phải trả phí cho nội dung mà họ coi là có giá trị", ông khẳng định.
Lời gợi ý của ông nghe có vẻ mâu thuẫn, bởi ngay từ lúc đầu, ông đã là một phần trong cái nguyên nhân lớn dẫn đến việc nội dung mạng được cung cấp miễn phí. Các lãnh đạo trong giới truyền thông nhận thấy rằng nếu cung cấp nội dung miễn phí, họ sẽ thu hút được một lượng khán giả đông đảo - và kéo theo đó là một lượng tiền khổng lồ bỏ ra cho quảng cáo. Nhưng Sorrell coi đây là một quan điểm ngốc nghếch. "Các mô hình chỉ dựa vào quảng cáo không có tác dụng gì cả", ông nói. "Không có nhiều quảng cáo đến vậy đâu. Tất cả chỉ có thế thôi!"
Nhưng Sorrell cũng có ý tưởng giải quyết vấn đề, và đó là một ý tưởng gây sửng sốt. Thứ nhất, tính phí xem nội dung. Thứ hai, sáp nhập hoặc đóng cửa các công ty truyền thông không có khả năng thích ứng. Và thứ ba, dùng tiền trợ cấp của chính phủ để hỗ trợ các công ty còn lại.
Các khoản trợ cấp liên bang có vẻ là một tương lai xa vời, bởi vì đảng Cộng hòa mới đây còn lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc trợ cấp cho NPR (đài phát thanh quốc gia Mỹ) và truyền hình công cộng. Nhưng Sorrell lên tiếng ca ngợi các đài phát thanh truyền hình miễn phí của BBC và Australia và khẳng định rằng trợ cấp là điều thiết yếu cho cả ngành báo in và phát thanh truyền hình. Đó là bởi vì hai dòng thu nhập truyền thống - thuê bao và quảng cáo - hiện nay đã trở nên bất cập. Dĩ nhiên, chế độ trợ cấp cũng góp phần làm "nhẹ gánh" cho các khách hàng của ông, bởi họ sẽ không còn phải một mình nai lưng ra gánh lấy trọng trách cung cấp nguồn tài chính cho truyền thông nữa.
"Ba yếu tố kết hợp lại: tường thu phí, sáp nhập, trợ cấp", ông nói, "sẽ giúp bạn trụ lại trong kinh doanh với vai trò một nhà báo - có lẽ đây là điều cần thiết".
JOANNE LIPMAN - Thủy Nguyệt (Tuần Việt Nam, dịch theo Newsweek).
0 comments:
Đăng nhận xét