Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Sáng tác logo, slogan du lịch không phải thi vẽ, thi viết

Slogan "Sự khác biệt Á Đông".
Nếu người sáng tác không hiểu biết một cách tường tận chiến lược phát triển du lịch, định vị sản phẩm và thương hiệu du lịch cụ thể, có chiều sâu thì cuộc thi sáng tác biểu tượng, khẩu hiệu du lịch rất dễ biến thành một cuộc thi vẽ cái mình chưa biết rõ, thi viết về cái mình chưa hiểu tốt.
Vẽ cái mình chưa rõ, viết cái mình chưa hiểu?

Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đã có một quyết định đầy trách nhiệm khi chưa phê duyệt việc lấy giải nhất trong cuộc thi sáng tác vừa qua làm biểu tượng và khẩu hiệu chính thức của Du lịch Việt Nam. Không đi sâu vào các ý kiến đa chiều về ý nghĩa của biểu tượng ngôi sao nhiều màu và khẩu hiệu "Việt Nam - Sự khác biệt Á Đông", người viết bài này cho rằng việc sử dụng một biểu tượng tốn đến nửa hộp bút màu mới thể hiện được là chưa phù hợp với xu thế làm thương hiệu hiện đại.

Cách chọn biểu tượng, khẩu hiệu du lịch của ngành du lịch Việt Nam thông qua các cuộc thi sáng tác biểu tượng, khẩu hiệu rất khó mang lại kết quả tốt. Biểu tượng, khẩu hiệu du lịch phải xuất phát từ một chiến lược phát triển du lịch, định vị sản phẩm và thương hiệu du lịch cụ thể, có chiều sâu. Nếu người sáng tác không hiểu biết một cách tường tận những nội dung này thì cuộc thi sáng tác biểu tượng, khẩu hiệu du lịch rất dễ biến thành một cuộc thi vẽ cái mình chưa biết rõ, thi viết về cái mình chưa hiểu tốt.

Khác với bức tranh, một biểu tượng tốt không phải là biểu tượng xem đẹp mắt mà là biểu tượng hiệu quả (ấn tượng, dễ nhận biết, dễ nhớ, dễ liên tưởng đến những giá trị người ta muốn nó thể hiện, dễ sử dụng). Tương tự, khẩu hiệu tốt không phải là khẩu hiệu nghe hay mà là khẩu hiệu hiệu quả. Để đạt được tính hiệu quả trong việc xây dựng biểu tượng và khẩu hiệu, người thực hiện cần phải phối hợp chặt chẽ với những chuyên gia trong ngành du lịch trong cả quá trình tìm tòi, sáng tác, thử nghiệm, điều chỉnh và hoàn thiện.

Vietnam Airlines mất 10 năm (từ 1993 đến 2003) kiên trì hợp tác với hãng Boeing (Mỹ, tài trợ dự án), công ty quảng cáo Perk Communications (Mỹ) và họa sỹ thiết kế Victor Kubo (người Mỹ gốc Nhật Bản) để có được biểu tượng Bông Sen Vàng được sử dụng từ năm 2003 đến nay. Nếu tới đây Hoa Sen được lựa chọn làm Quốc Hoa, biểu tượng Bông Sen Vàng của Vietnam Airlines có thể sẽ sống mãi.

Không kỳ công như Vietnam Airlines, nhưng Viettel cũng đã có một biểu tượng và khẩu hiệu "Hãy nói theo cách của bạn" rất thành công. Viettel không tổ chức cuộc thi sáng tác nào. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó TGĐ Viettel, kể lại thì ông và các đồng nghiệp ở Viettel khi đó có chung một suy nghĩ là "phải thuê một công ty nước ngoài có nhiều kinh nghiệm về thương hiệu để làm". Với quyết định đó, Viettel đã thuê JW Thomson (JWT) - một công ty quảng cáo nước ngoài lớn cho công việc quan trọng này.

Một trong các lý do mà Bộ VH-TT-DL không phê duyệt biểu tượng và khẩu hiệu du lịch lần này là "chỉ có 50-60% người được trưng cầu ý kiến ủng hộ". Nếu vào năm 2003 Vietnam Airlines tổ chức lấy ý kiến rộng rãi thì số người ủng hộ Bông Sen Vàng chưa chắc đạt quá bán do nhiều người (kể cả lãnh đạo nhà nước) đã quá quen và thân thiện với biểu tượng Con Cò được sử dụng từ năm 1990. Đối với một cái mới, số đông chưa chắc đã đúng.

Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp như Vietnam Airlines, Viettel đã hình dung được rõ ràng những giá trị dịch vụ mà họ muốn biểu tượng, khẩu hiệu truyền đạt một cách hiệu quả nhất. Họ kiên trì theo đuổi, tạo ra những giá trị dịch vụ đó, đồng thời thực hiện các chương trình thương hiệu chuyên nghiệp.

Khi chọn khẩu hiệu "Hãy nói theo cách của bạn", Viettel muốn thể hiện giá trị dịch vụ ở việc tôn trọng khách hàng hơn (so với các "ông độc quyền" thuộc VNPT trước khi có Viettel). Những người làm ở Viettel phải thấm nhuần yêu cầu đó, khách hàng của Viettel phải cảm nhận được giá trị dịch vụ đó. Công bằng mà nói, Viettel đã làm rất tốt.


Từ cái nền tới câu chuyện hoàn chỉnh

Trở lại với biểu tượng, khẩu hiệu du lịch, sẽ là sai lầm nếu yêu cầu chúng phải thể hiện được "thế mạnh là du lịch biển, du lịch sinh thái và văn hóa, đối tượng thu hút chính là du khách quốc tế nghỉ dưỡng dài ngày, chi nhiều tiền" như tiêu chí của cuộc thi. Không biểu tượng, khẩu hiệu nào có thể "nói" và "làm" được nhiều thứ như thế. Biểu tượng, khẩu hiệu trong hoạt động thương hiệu mới chỉ là cái nền để trên đó xây dựng các câu chuyện thương hiệu, trong khi đó những người ra đầu bài ở ngành du lịch lại đòi hỏi bản thân chúng phải là những câu chuyện hoàn chỉnh, có đầu có đuôi.

Cái nền khi Vietnam Airlines chọn Bông Sen Vàng là "vẻ đẹp cao sang mang tính nhân văn sâu sắc", trên đó Vietnam Airlines xây dựng nhiều câu chuyện dịch vụ cao sang khác nhau cho các đối tượng hành khách đi máy bay khác nhau. Cái nền khi Viettel chọn "Hãy nói theo cách của bạn" là "đi ngược lại truyền thống (độc quyền)", trên đó Viettel xây dựng nhiều câu chuyện chống độc quyền về sự đa dạng các dịch vụ để khách hàng lựa chọn, các gói giá cước rẻ, hệ thống chăm sóc khách hàng "đối thoại hai chiều" đồ sộ, chuyên nghiệp.

Không nên có một biểu tượng mà chỉ có những người làm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa phấn khởi (vì nhìn thấy mình "rõ mồn một" trong đó), còn những người làm du lịch hội nghị, hội thảo (MICE) lại tủi thân (vì không nhìn thấy mình ở đâu). Nên có một biểu tượng mà mọi loại hình du lịch đều có thể lấy nó làm nền để xây dựng câu chuyện thương hiệu của mình. Bản thân các doanh nghiệp du lịch đều có biểu tượng, khẩu hiệu riêng, cái mà họ cần ở biểu tượng, khẩu hiệu du lịch quốc gia là chúng thể hiện các giá trị dịch vụ du lịch chung, nổi trội và "hút khách" của Việt Nam.

Thái Lan chọn cảm xúc du lịch "Ngạc nhiên chưa! (Amazing)" làm khẩu hiệu, người nào muốn ngạc nhiên (ai mà không muốn chứ!) thì hãy đến Thái Lan. Còn các doanh nghiệp ở đây thuộc loại hình du lịch nào thì cũng đều cố gắng mang lại cho du khách cảm giác "ngạc nhiên (tốt)". Philippines chọn cảm xúc du lịch "Ôi chao ôi! (Wow)" cũng theo cách tiếp cận này. Vậy nên, nếu một ngày nào đó ngành du lịch của ta chọn "Vui vẻ chưa!" làm khẩu hiệu thì điều này không có gì là dở nếu như các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, dù thuộc loại hình nào, cũng đều làm cho du khách thực sự vui vẻ một cách lành mạnh.

Tạm kết

Người viết bài này không đề xuất tiếp tục thi sáng tác biểu tượng, khẩu hiệu du lịch. Cách này đã được sử dụng trong những năm qua nhưng chưa mang lại kết quả thỏa mãn. Nên thử nghiệm cách làm mới. Nên lựa chọn một công ty chuyên nghiệp về thương hiệu cùng Tổng cục Du lịch xây dựng Chương trình thương hiệu tổng thể (không phải chỉ là biểu tượng và khẩu hiệu).

Nếu trong những năm tới trọng tâm của Du lịch Việt Nam nhằm vào du khách nước ngoài thì nên sử dụng công ty nước ngoài. Trong quá trình lựa chọn đối tác, đừng yêu cầu biểu tượng phải là ngôi sao, bông sen, cây tre, cái nón..., chỉ yêu cầu họ giới thiệu kinh nghiệm xây dựng, định vị thương hiệu và trình bày phương pháp tiếp cận đối với chương trình thương hiệu của du lịch Việt Nam, nguồn lực thực hiện, tiến độ, ngân sách, cơ chế phối hợp...

Sau khi lựa chọn đối tác, cần đặt niềm tin vào họ và phối hợp, hỗ trợ tối đa. Hy vọng cách làm này sẽ mang lại kết quả tốt hơn cách làm cũ. Nếu chẳng may cuối cùng không đạt được như kỳ vọng thì cũng không nên nặng nề vì tình huống này không phải là hiếm trong lĩnh vực thương hiệu.

TS. LƯƠNG HOÀI NAM (VEF).

0 comments:

Đăng nhận xét