Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Chữa bệnh và làm đẹp bằng Gừng

Trong dân gian, gừng đã được biết đến từ lâu với công dụng làm nóng người, phòng cảm cúm, trị ho. Ngoài ra, gừng còn làm gia vị cho một số món ăn, nước chấm. Tuy nhiên, công dụng của gừng còn nhiều mà không phải ai cũng biết.
Gừng tươi có thể phát huy được các hiệu quả chữa nhiều bệnh khác nhau, đồng thời cách sử dụng của nó cũng đa dạng, có thể dùng bên trong lẫn bên ngoài.

Ăn sống trực tiếp: Chỉ cần lấy gừng gọt vỏ rửa sạch, sau đó có thể sử dụng ngay. Phương pháp này đơn giản nhưng lại có hiệu quả nhanh nhất. Gừng quá già sẽ rất cay nên tránh ăn sống trực tiếp.

Làm nước uống: Dùng gừng nấu thành trà gừng, có thể thêm ít đường cho dễ uống, có tác dụng làm ấm, có thể lưu thông khí huyết, tăng huyết áp...

Dùng bên ngoài: Để sử dụng bên ngoài, có thể giã nhỏ, đắp lên vết thương nhỏ, sau đó dùng băng cố định lại, cách này có thể làm giảm sưng đau nhiễm trùng vết thương, trị côn trùng cắn và đau nhức các loại cũng rất có tác dụng. Gừng đập dập cho vào nước nóng, ngâm chân, trị phong thấp.

Làm đẹp: Gừng tươi có khả năng giúp máu lưu thông, nếu dùng gừng nấu thành nước ấm có thể giúp da dẻ mịn màng. Còn có thể dùng gừng để chế ra tinh dầu, xà bông, dầu gội đầu và các loại sản phẩm dưỡng da khác.

Cảm lạnh, nhức đầu: Dùng 10gr gừng tươi giã nát, lọc bằng nước sôi thêm 10gr đường trắng quấy đều, uống nóng, đắp mền kín. Hoặc dùng 10gr gừng tươi giã nát, lọc bằng nước sôi, cho vào cháo nóng để ăn. Ngoài ra, bột gừng hòa với nước nóng uống trước bữa ăn có thể làm dịu đi cơn đau đầu.

Viêm họng, ho sốt và rối loạn tiêu hóa: Nhai trực tiếp gừng tươi, nuốt cả cái lẫn nước từ từ, ngậm gừng khô, gừng nước, hay uống nước gừng sắc đều được cả.

Chống ôxy hóa, lão hóa: Một tuần, sử dụng 2 đến 3 lần gừng trong các bữa ăn sẽ giúp cơ thể bạn tăng cường khả năng chống ôxy hóa và lão hóa do gừng chứa 12 hoạt chất chống ôxy hóa.

Sỏi mật: Các nhà khoa học Nhật Bản khuyên người có sỏi mật nên thường xuyên ăn gừng, do gừng có thể hạn chế được sự hình thành sỏi mật.

Chống nôn, chóng mặt khi đi tàu, xe: Củ gừng tươi để cả vỏ, rửa sạch, khía từng lát mỏng. Khi lên tàu, xe mang ra ngậm 1 đến 2 lát, nhâm nhi nhai, sau đó nuốt nước (có thể nuốt cả cái).

Trị hôi chân, nhức mỏi khớp chân: Lấy 1 nhánh gừng giã nhỏ, hòa vào nước ấm, cho thêm 1 ít muối hột, ngâm chân khoảng 10 phút trước khi đi ngủ. Đối với người cao tuổi, việc làm này còn giúp người cao tuổi dễ ngủ và có giấc ngủ sâu hơn.

Bệnh tim mạch: Người bị bệnh tim mạch nên dùng gừng tươi hằng ngày vào sáng, trưa, tối, mỗi lần 1 lát mỏng (khoảng 2g).

Ngoài ra, gừng còn có một số lợi ích khác như: Trà gừng có tác dụng an thần, dễ ngủ. Gừng sạch thái lát, cho vào lọ, đổ dấm ngâm 1 đêm lấy ra 5 miếng, cho ít đường vào pha nước sôi, uống thay nước đi đường trong những lần đi công tác hay du lịch. Gừng thái lát mỏng, đem muối chua, đến khi uống bia có thể cho gừng vào uống cùng, vừa trừ được hàn thấp lại gây lợi tiểu, chống bụng phệ.

Lưu ý: Không dùng gừng cho người bị cảm nắng, vã mồ hôi, sốt cao không rét. Không dùng gừng cho người chuẩn bị mổ và sau mổ, người đang chảy máu như băng huyết, ho ra máu, nôn ra máu, tiểu ra máu, trĩ ra máu, chảy máu cam, chảy máu răng. Không dùng gừng liều cao, nhiều ngày cho người tiểu đường, bệnh tim, phụ nữ có thai.

Gừng chứa rất nhiều nước cũng như tinh dầu, vì vậy, cách bảo quản tốt nhất là để nơi khô ráo, nếu không sẽ dễ biến chất, sinh độc, biến màu. Nếu bề ngoài của gừng khô héo, vỏ nhạt đi, điều đó biểu hiện tinh dầu đã mất, sẽ không còn tác dụng chữa bệnh. Dùng vải hoặc hộp gỗ để bảo quản gừng nên sẽ giữ được lâu.

Phải đặc biệt chú ý, gừng đã hư thì không nên sử dụng, tuy rằng ăn vào mùi vị không khác là mấy, nhưng thực ra nó sẽ sản sinh ra độc tính rất mạnh, có hại cho gan.

0 comments:

Đăng nhận xét