Nhiều người khi bị chóng mặt xây xẩm, buồn nôn hay giã gừng tươi nấu với nước lọc và đường để uống. Lại có người nướng gừng lên cho thơm sau đó giã nát và pha với nước sôi, đường, chanh để uống... Vậy nên uống nước gừng như thế nào cho đúng?
Gừng tươi (sinh khương) có vị cay, tính ấm, tác dụng tán phong hàn, làm ấm tỳ vị, tiêu đàm, cầm nôn mửa, lợi thủy, giải độc. Thường dùng làm thuốc chữa cảm mạo phong hàn (cảm lạnh), lạnh bụng, ăn uống không tiêu, nôn mửa, ho có đàm, giải độc cua, cá, thịt...
Có nhiều cách chế biến để sử dụng củ gừng gồm: Dùng ngoài, gừng tươi giã nhỏ đắp chữa tụ huyết do chấn thương, đau tức hoặc ngâm với rượu để xoa bóp tay chân nhức mỏi, đau nhức khi trời lạnh.
Gừng có thể ngừa chứng nôn nao dạ dầy ở những phụ nữ đang mang thai hay những người đang chữa hoá học trị liệu.
Gừng cũng có tác dụng ngăn chặn ảnh hưởng của chất serotonin sinh ra do não và dạ dày khi buồn nôn và ngừa việc sinh ra các gốc tự do là nguyên nhân gây ra các bệnh ở dạ dày.
Gừng khô (can khương): Củ gừng tươi đồ chín rồi đem phơi khô, có vị cay tính nóng, tác dụng tán hàn, dùng chữa cảm lạnh, thổ tả do lạnh. Khương lộ là nấu củ gừng cho chín rồi đem phơi sương. Khương lộ có vị cay, tính nóng, dùng chữa các chứng trúng hàn, trợ tiêu hoá, giải độc sương móc vùng lam sơn chướng khí, trừ được đàm. Thán khương tức gừng khô đem sao đến khi mặt ngoài cháy đen, trong còn màu vàng thẫm, dùng làm thuốc cầm máu khi bị xuất huyết, tay chân lạnh, truỵ mạch.
Ổi khương là gừng tươi đem nướng, gừng lùi, bóc bỏ vỏ cháy ở ngoài, cắt lát mỏng hoặc giã lấy nước, dùng chữa đau bụng lạnh, trúng thức ăn lạnh, nôn mửa nhiều, sợ gió lạnh. Tiêu khương là củ gừng sao vừa cháy sém vỏ ngoài, dùng chữa đau bụng lạnh, cầm máu.
Không nên dùng gừng để lâu ngày đã bị thối, ủng, để chế biến thức ăn, vì gừng bị thối, ủng, sẽ sinh ra chất lưu huỳnh, là loại độc tố có thể gây tổn thương cho gan.
Lương y Đinh Công Bảy.
0 comments:
Đăng nhận xét