Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Một xã hội vắng bóng những "tuyệt tác"!


Khi một xã hội không còn trọng văn hóa nữa thì khi ấy văn hóa bị biến thành hoạt động giải trí tầm thường, nhàng nhàng, nhạt nhạt. Khi đó con người chỉ là những nhà chuyên môn kỹ thuật.

"Cái nước mình nó thế"

Ngày nay bước chân ra khỏi ngôi nhà của mình, hầu như người ta chỉ mau mau đi làm cho xong công việc cụ thể nào đó. Ít ai có hứng thú nhởn nha, tạt ngang tạt ngửa hoặc đôi khi buộc phải dừng chân để chiêm ngưỡng một "công trình" nào đó vừa được khánh thành.

Kiến trúc chỉ là những công trình kỹ thuật xây cất thuần túy. Hàng hóa chỉ là những sản phẩm của kỹ nghệ sản xuất hàng tiêu dùng. Đường xá chỉ là những công trình vì mục đích thiết thực của sự đi lại thuận tiện cho "đôi chân". Trường học chỉ là những cơ sở vì cuộc sống cơm áo gạo tiền tương lai.

Hễ bước chân ra nước ngoài thì y như rằng khi trở về thì ai cũng có quyền ngợi ca xứ người đồng thời chê bai xứ mình. Câu cửa miệng của nhiều người có lẽ là "thành phố của họ thế mới là thành phố chứ". Còn câu cửa miệng của đại đa số người Việt hiện nay có lẽ là tương tự với câu kết luận nổi tiếng của cố Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến: "Cái nước mình nó thế!"

Rút cục sự khủng hoảng những tuyệt tác, hiểu theo nghĩa lý tưởng của cái đẹp (nhìn vào một công trình, một sản phẩm không ai có thể chê bai nó), đang đặt toàn xã hội đối mặt với một câu hỏi lớn liên quan đến văn hóa (hoặc văn minh): Văn hóa là cái thêm vào cho kỹ thuật hay văn hóa là cái phải có trước. Phải có cái gì "vạch đường" đã rồi mới "xây những con đường cụ thể" hay là làm ngược lại?

Xuống cấp thể xác, vẫn giữ được phần hồn

Một công trình khảo cổ đang tiến hành của một nhà khảo cổ học người Đức tên là Klaus Schmidt có thể cung cấp một gợi ý cho lời giải đáp.

Cách thành phố cổ kính Urfa gần 10 cây số ở Đông nam Thổ Nhĩ Kỳ có một di tích khảo cổ mà sự phát hiện đã làm thay đổi toàn bộ cách nghĩ xưa nay về sự tiến hóa của văn minh con người: Ngôi đền Göbekli Tepe được xây dựng cách đây khoảng 11000 năm trên một quả đồi.

Di chỉ khảo cổ này thực ra đã được các nhà khoa học của Đại học Chicago và ĐH Istanbul phát hiện từ những năm 1960, song họ đã bỏ qua vì coi thường. Công trình được Schmidt sau đó một mình tới tận nơi nghiên cứu từ năm 1994 đến nay, và ông đã ngợi ca Göbekli Tepe là "ngôi nhà thờ được xây cất trên đồi đầu tiên của nhân loại."

Toàn cảnh Göbekli Tepe chụp tháng 11 năm 2008
Đứng ở vị trí của ngôi đền đang được khai quật nằm trên một diện tích 22 mẫu Anh (1 mẫu Anh bằng khoảng nửa hecta, Schmit cho rằng phải mất 50 năm nữa mới khai quật được hết) ở độ cao hơn 300 mét nhìn xuống khắp một vùng thung lũng Schmidt tự hỏi điều gì khiến cho những người tiền sử sống bằng săn bắn hái lượm (tức nay đây mai đó) tụ tập nhau ở đây để làm nên công trình vĩ đại này.

Họ đã đẽo, chạm khắc những phiến đá, mỗi phiến nặng 7 tấn rồi đưa lên xây dựng ở độ cao mấy trăm mét, khi trong tay không có bất kỳ công cụ nào bằng kim loại hoặc thậm chí bằng gốm (công trình Stonehenge có niên đại 6000 năm trước Công nguyên chỉ được coi là hàng cháu chắt của Göbekli Tepe).

Schmidt đã đi đến một kết luận làm đảo ngược quan niệm xưa nay của giới khảo cổ học cho rằng, con người phải an cư lạc nghiệp rồi mới có thời gian để tính đến chuyện xây cất các công trình.

Schmidt nói "Trước hết là phải thay đổi văn hóa, rồi mới đến phát triển nông nghiệp". Khởi đầu là lý tưởng đã rồi mới tính đến chuyện sinh tồn như thế nào. "Con người có sự thôi thúc khôn cưỡng lại, ấy là tìm cách giải thích cái không thể giải thích" (Schmidt).

Trong hai cuốn tiểu thuyết viết gần đây nhất của mình (Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa), nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, ngoài những vấn đề khác, ông còn cố gắng lý giải sự va chạm văn hóa giữa những người Pháp xâm lược và người Việt Nam bản địa.

Vô tình hay hữu ý người Pháp đã để lại ở xứ sở họ xâm lăng những công trình buộc phải gọi hẳn hoi đó là những tuyệt tác. Điều gì làm cho những công trình chẳng hạn như Nhà Hát Lớn, cầu Long Biên và hàng vạn ngôi biệt thự bao năm tháng chỉ xuống cấp về phần xác nhưng vẫn giữ được cái hồn văn hóa của chúng?

Nhà thơ Dương Tường trong một lần chuyện trò gần đây đã thổ lộ rằng ông không phản đối "métissage culturel" (sự pha trộn văn hóa) nhưng ông thể chịu nổi hiện nay cả xã hội (kể cả các chương trình truyền hình) đều thường xuyên và ngang nhiên dùng chữ "tuổi teen" trong khi tiếng Việt đâu có thiếu danh từ để chỉ cái độ tuổi này (tuổi học trò, tuổi hoa niên).

Văn hóa mới là chỗ bấu víu để một xã hội hồi sinh

Xưa kia người La Mã là những người rất giỏi bắt chước văn hóa Hy Lạp cổ đại. Nhưng từ văn hóa Hy Lạp cổ đại người La Mã đã tạo ra cho mình một nền văn hóa riêng, không thể lẫn với văn hóa Hy Lạp song vẫn có thể tìm thấy trong đó những dấu ấn của văn hóa Hy Lạp.

Ảnh chụp cận cảnh một phiến đá ở Göbekli Tepe năm 2008
Một trong những điều người La Mã phát hiện ở nền văn hóa Hy Lạp là hệ thống giáo dục. Cho tới tận thế cuối thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên người La Mã vẫn chưa có trường học cho trẻ em và thanh niên. Con cái đều do bố mẹ dạy ở nhà.

Vào thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, người La Mã mới bắt đầu học người Hy Lạp. Họ thuê thầy giáo người Hy Lạp về dạy đọc và viết tiếng La Tinh (nhưng giảng bằng tiếng Hy Lạp) và cổ văn về văn chương và triết học Hy Lạp.

Ngoài việc đọc thẳng bằng tiếng Hy Lạp, người học còn có thể đọc các bản dịch sang tiếng La Tinh.  Khi tới tuổi trưởng thành, người học có thể tới Athens để hoàn tất học vấn của mình. Khả năng song ngữ (tiếng Hy Lạp và tiếng La Tinh) và môn grammar (văn chương và ngôn ngữ) và môn hùng biện, là điều kiện để được coi là một nobile (người thuộc tầng lớp tinh hoa).

Sự ngoi lên bằng giành giật cơm áo gạo tiền để gia nhập tầng lớp tinh hoa đồng nghĩa với sự coi rẻ văn hóa. Tính tinh hoa được đo bằng lượng tiền gửi ngân hàng, lượng cổ phiếu nắm giữ, số xe hơi, nhà lầu, cách tiêu tiền v.v.

Khi một xã hội không còn trọng văn hóa nữa thì khi ấy văn hóa bị biến thành hoạt động giải trí tầm thường, nhàng nhàng, nhạt nhạt. Khi đó con người chỉ là những nhà chuyên môn kỹ thuật. Các công trình công cộng chỉ là những dự án đầu tư riêng lẻ, tính văn hóa của công trình được đo bằng tổng chi phí đầu tư.

Văn hóa là cái hồn, không thể giải thích được, chỉ có thể trân trọng và vun bồi.

Trong lịch sử, có rất nhiều xã hội vào một giai đoạn nào đó đã rơi vào khủng hoảng song bao giờ những xã hội đó cũng biết cách đứng dậy, biết cách hồi sinh. Văn hóa chứ không phải kỹ thuật mới là chỗ bấu víu để một xã hội hồi sinh. Trường đại học chính là tác nhân chủ yếu đã đưa châu Âu thoát ra khỏi đêm trường Trung Cổ. Sự phục hưng của một quốc gia kỳ cùng là sự đòi hỏi hồi sinh những giá trị tinh hoa của nhân loại.

Sự thờ ơ của đại đa số, trong đó có vô số những trí thức được xếp là "tinh hoa" của xã hội hiện nay, trước những nỗ lực làm hồi sinh những tư tưởng tinh hoa nền tảng của nhân loại, là một dấu hiệu cho thấy xã hội còn phải đi một con đường rất dài nữa may ra mới tìm thấy cơ hội cho một sự phục hưng.

Hãy vun bồi "tấm lòng" mình cho đẹp trước đã rồi khi ấy "chân tay" sẽ tự động làm ra những công trình tuyệt tác!

PHẠM ANH TUẤN (Tuần Việt Nam).

0 comments:

Đăng nhận xét