Tôi lớn lên ở Hà Nội và sống ở cái nơi thiêng liêng ấy cho tới hai mươi tuổi. Cho nên tự nghĩ hoàn toàn có tư cách, có trách nhiệm và sự liều lĩnh để phát biểu về Tết Hà Nội xưa với trẻ con.Trẻ con hồi đó, Tết gắn liền với ăn. Thời đó, miếng ăn nói chung và miếng kẹo bánh nói riêng cực kỳ quý hiếm, đến mức nhiều món chỉ có Tết mới được sờ mồm vào.
Đầu tiên là kẹo. Vĩ đại nhất là kẹo Hải Châu do một nhà máy quốc doanh sản xuất, nhưng đấy là thứ quý hiếm. Phần lớn là kẹo Hải Hà gồm những miếng bột pha đường gói trong những gói giấy nhỏ, về danh nghĩa là hình vuông, nhưng trên thực tế có khả năng là hình bẹp gí. Kẹo ấy có một vị ngọt xít cổ. Trẻ con đến nhà họ hàng chơi, thấy đĩa kẹo để trên bàn liền bốc bỏ vào túi quần nếu là con trai và túi váy nếu là con gái.
Sau kẹo là bánh. Sang trọng là bánh quy, còn tối sang trọng là bánh quy gai. Cứ gần Tết, nhiều lò bánh lại mọc lên, đến mức nền công nghiệp Hà Nội hồi đó được tổng kết có bốn mũi nhọn là: “Vá chín săm lốp, gia công quy xốp, lộn cổ sơ mi, bơm mực bút bi”. Chủ lò bánh quát tháo khách, ném cho mỗi khách đến làm bánh một cái chậu men để khách tự đập trứng và cho đường của mình vào, ngồi đánh cho tan. Sở dĩ phải làm như thế vì đường và trứng là những sản phẩm cao cấp, rất hiếm, mỗi người đến làm bánh lại mang một lượng khác nhau, kẻ tám trứng, mười trứng hoặc mười lăm trứng. Còn đường thì có đường trắng, đường vàng và trọng lượng cũng không cố định, cho nên ai cũng ôm khư khư cái chậu nguyên liệu trong lòng mình, sợ lẫn với người khác. Để tránh mất cắp, người ta hay đi theo thợ nướng bánh tới tận cửa lò, nhưng vẫn mất như thường. Khi bánh ra, đám trẻ con tháp tùng (chọn trong số những nhân vật có đạo đức, có tư cách của gia đình) nhặt vội những miếng vỡ bỏ vào mồm.
Tết, thường cơ quan nào cũng kiếm được vài chục cân thịt lợn. Những gia đình nào có tủ lạnh sẽ khốn khổ vì bị bạn bè hoặc họ hàng... gửi nhờ thịt, tận Tết mới dám ăn. Món chủ lực là thịt nấu măng khô, nhà nào cũng nấu một nồi thật to, cả Hà Nội đồn rằng cứ hầm đi hầm lại sẽ càng ngọt.
Thịt gà và giò chả là những thực phẩm đại đại đại quý tộc. Đối với các gia đình cán bộ cỡ trung thì thứ đấy quanh năm tuyệt chủng. Tôi chỉ được ăn khi bố mẹ dắt tới dự cơm Tết ở nhà một số bạn bè, và đã ăn ở đâu thì năm sau cứ nhắc mãi. Cho nên khi đọc “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, đến đoạn bà Nghị cầm đĩa giò kho ăn dở cất đi, dặn thằng ở là: “Bà đã đếm rồi, còn mười bốn miếng tất cả, mất miếng nào thì chết với bà!”, tôi không thấy bà Nghị keo kiệt, mà thấy hết sức tự nhiên.
Toàn bộ trẻ con hồi ấy đều phải đứng trước một thử thách ghê gớm. Đó là thực phẩm Tết được phân phối trước tất cả các tuần, nhưng bố mẹ nào cũng kiên quyết cất kỹ, đến ngày Tết mới bung ra (vì lý do giản dị: Bung sớm là hết!). Hiện tượng phổ biến là lúc có khách, bố mẹ mang đĩa kẹo ra mời, khách vừa về là con cái trong nhà xung phong ăn hết, sau đó lại mai phục chờ khách tiếp theo.
Nói đến ăn Tết mà không nói đến mứt là chưa đầy đủ. Mứt được mậu dịch bán trong những cái hộp giấy in cành đào, viết chữ cực kỳ chân phương: “Mứt Tết”, mở ra 70% mứt lạc, gọi là trứng chim. Giá trị nhất là một quả hồng khô và một quả táo Tàu, đứa nào nhanh tay hoặc trơ tráo mở hộp ra sẽ bốc ngay.
Bằng một cách phức tạp nào đó, có năm mẹ tôi mua được một con gà trống, để dành đến Tết thịt. Mẹ lấy dây buộc chân gà vào bể nước ngay trong nhà, ngày ngày lo cho nó ăn, thậm chí nhồi cơm cho nó, hy vọng nó béo. Cứ ba bốn giờ sáng, gà đập cánh phạch phạch, gáy vang như sấm khiến cả nhà mất ngủ. Nhưng để có thịt gà Tết, mất ngủ là hạnh phúc nhiều gia đình mong mỏi!
Bánh chưng lấy ở cơ quan về (không bao giờ quá mười chiếc) được bố mẹ đặt tấm ván lên rồi đặt những vật nặng vào bảo là ép thế cho chặt bánh sẽ ngon hơn. Ngon tuyệt là bánh chưng rán, nên nhiều cái bánh bóc ra là rán ngay, mẹ lấy thìa ép cho bánh từ khối vuông thành khối tròn bèm bẹp.
Giờ ăn gì cũng chả ngon bằng!
Lê Hoàng.
0 comments:
Đăng nhận xét